Đây là những thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về "Thực trạng, thách thức và giải pháp tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm nay (23/11).

leftcenterrightdel
 Ông Hồ Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Anh

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm, nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Ngoài ra, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng  là do tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Bà Hương cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định: Cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Ngoài ra, Luật Quảng cáo cũng quy định cấm quảng cáo thuốc lá; Nghị định 117/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi Thực hiện hoạt động tài trợ dưới bất kỳ hình thức nào (trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật)…

Tuy nhiên, hiện, 90% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày thuốc lá. Đặc biệt, xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trên mạng internet, nhất là quảng cáo thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên internet…).

Còn theo bà Trần Thị Trang, Vụ pháp chế,  Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao. Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Đáng nói, tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ.

leftcenterrightdel
 Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Nguyễn Anh

Cụ thể, tỉ lệ người đã từng hút thuốc lá điện tử là 1,1% và có 0,2% người hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó tỉ lệ hút ở nam giới và nữ giới lần lượt là 0,4% và 0,1%. (Kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015). Tỉ lệ thanh thiếu niên 15 - 24 tuổi ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao, với tỉ lệ chung là 7,3%, tỉ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18- 24. Và theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019” do Trường Y tế công cộng thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, (ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%).

Cũng theo bà Trang, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay…Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram,Tiktok…Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội. Facebook, Zalo cá nhân.

Trong khi đó, hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Khái niệm thuốc lá chưa được quy định, chưa báo quát phù hợp với đặc điểm cấu tạo của sản phẩm.

Bà Trang cũng đưa ra cảnh báo, thuốc lá điện tử không sử dụng nguyên liệu từ lá thuốc lá, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá mà sử dụng hóa chất, tinh dầu tổng hợp không phải là thuốc lá. Thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử được cấu thành từ bộ phận thiết bị điện tử làm nóng điếu thuốc, hộp tinh dầu, dung dịch điện tử khác với thuốc lá điếu, là một phần không thể tách rời nhưng chưa được quy định trong Luật.

Nhiều sản phẩm thuốc lá nung nóng sử dụng sợi xenlulo tẩm ướp hương vị thuốc lá. Thuốc lá nung nóng lai với thuốc lá dung dịch điện tử, khó xác định cơ chế quản lý. Bên cạnh đó, việc cho phép thí điểm lưu hành thuốc lá mới có những tác động tiêu cực, đặc biệt là tăng chi phí quản lý và tổ chức thực hiện.

Về kinh tế, việc cho phép nhập khẩu thuốc lá mới không chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước mà ngược lại nhà nước sẽ bị giảm nguồn thu thuế do sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước bị kiểm soát, khống chế sản lượng tiêu thụ, mức thu thuế trong tổng cho phép, Việt Nam hiện không sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên việc cho phép nhập khẩu các sản phẩm này chỉ có các sản phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp thuốc lá nước ngoài.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt: Hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13, thiết bị điện tử không phải là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, theo đề xuất của Bộ Công thương thì Chính phủ sẽ không thu được thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Trừ khi, thiết bị điện tử này được coi là một phần không thể tách rời của thuốc lá mới và coi là sản phẩm thuốc lá.

Do đó, nguồn thu không tăng mà còn tăng chi ngân sách đối với an sinh xã hội, giải quyết gánh nặng bệnh tật, tử vong do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các chi phí mà Nhà nước và người dân phải gánh chịu khi cho phép lưu hành, sử dụng các sản phẩm độc hại này bao gồm sức khỏe người dân,  đặc biệt là thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của đất nước, kinh tế, xã hội và môi trường là vấn đề lớn mà ngay cả các nước đang cho sử dụng sản phẩm này cũng chưa thể tính toán hết được…

 

Nguyễn Anh