leftcenterrightdel
 Đất làm dự án... thành sân bóng đá.  

Trong Quyết định số 4903/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 của UBND TP Hà Nội do ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội (ông Nguyễn Văn Sửu nay là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, phụ trách, điều hành hoạt động của UBND TP Hà Nội - PV) ký để phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Mai Động (Cty Mai Động) có những nội dung thể hiện: cho phép Cty Mai Động được kế thừa Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Tập đoàn Thành Công (Cty Thành Công) tại Dự án đầu tư ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Khi dự án triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

leftcenterrightdel
 Quyết định số 4903/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 do ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội ký.

Ngoài ra, còn cho phép chuyển khoản nợ phải trả Cty Thành Công đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp ngày 31/12/2014 thành vốn góp tại Công ty cổ phần số tiền 27 tỉ đồng. “Số cổ phần chuyển nợ thành vốn góp được xác định trên cơ sở kết quả đấu giá thành công của Cty Thành Công. Cty Mai Động có trách nhiệm phối hợp với Cty Thành Công thực hiện các thủ tục chuyển nợ tại Cty cổ phần theo quy định của pháp luật”, Quyết định nêu rõ.

leftcenterrightdel
 Đất làm dự án... thành sân bóng đá.  

Tuy nhiên, như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, trong hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Cty Mai Động và Cty Thành Công đã có điều khoản quy định về tiến độ góp vốn đầu tư: “bên A (Cty Mai Động) kịp thời di dời nhà máy và các công trình khác trên đất, nhanh chóng giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, bên B (Cty Thành Công) đồng ý tạm ứng trước cho bên A số tiền là 100 tỉ đồng.” Trong đó nhấn mạnh, sẽ chuyển tiền đợt cuối “khi bên A hoàn thành công tác di dời và bàn giao mặt bằng.”. Và, toàn bộ số tiền tạm ứng trên đây của bên B cho bên A được tính vào chi phí giải phóng mặt bằng của dự án và là khoản lợi của dự án được hai bên thống nhất. 

Quy định của hợp đồng là thế, nhưng khi UBND TP Hà Nội quyết định phương án cổ phần hóa Cty Mai Động thì số tiền 27 tỉ đồng mà Cty Thành Công chuyển cho Mai Động đã trở thành khoản nợ, rồi chuyển thành vốn góp một cách khó hiểu. Vậy dựa trên quy định nào mà Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Sửu lại ký quyết định này để có lợi cho Cty Thành Công?

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Đất làm dự án... thành sân bóng đá. 

Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sáng, Chi Cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Cái khó của cổ phần hóa là khi nào cũng liên quan đến đất đai. Những trường hợp như bị cảnh báo đều bị thu hồi về và tạo quỹ đất cho thành phố rồi đấu giá. Còn doanh nghiệp khi được giao đất thì phải sử dụng đúng mục đích. Về trường hợp cổ phần hóa tại Cty Mai Động, ông Sáng cho rằng, Nhà nước cho phép doanh nghiệp hợp tác kinh doanh nhưng khi hợp tác phải báo cáo và phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản. Rồi quyền lợi của Nhà nước sẽ được gì và tỉ lệ vốn góp là bao nhiêu để chia lợi nhuận. Trong việc hợp tác này, ông Nguyễn Việt Hà, nguyên Giám đốc Cty Mai Động không được quyền ký hợp đồng đó và không được ký khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế, Hợp đồng hợp tác đó là không hợp pháp. Khi được hỏi về việc kiểm tra hàng năm của Sở Tài chính thì ông Sáng cho rằng, Sở Tài chính chỉ kiểm tra trên báo cáo tài chính chứ không kiểm tra hợp đồng hợp tác của doanh nghiệp. 

Cũng trong Kết luận Kiểm toán Nhà nước khu vực 1 thể hiện, diện tích đất tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì được UBND TP Hà Nội cho phép di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hợp tác kinh doanh với Cty Thành Công. Tuy nhiên, để thực hiện dự án Tổ hợp nhà ở và dịch vụ công cộng Nam Hà Nội, Hợp đồng hợp tác đầu tư số 2811/2009/HTKD chưa xác định cụ thể giá trị lợi ích, quyền lợi doanh nghiệp được hưởng khi hợp tác kinh doanh. Việc góp vốn của hai doanh nghiệp có tồn tại là góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm không đúng với Luật Đất đai. Biết rõ hợp đồng hợp tác là sai nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn kiến nghị tiếp tục theo dõi khoản tiền bồi thường, hỗ trợ di dời …100 tỉ đồng mà Cty Thành Công đến nay vẫn chưa hỗ trợ di dời để triển khai dự án. 

Cho đến thời điểm kiểm toán, dự án vẫn đang được thực hiện và yêu cầu theo dõi số tiền 100 tỉ đồng. Trong khi năm 2015, UBND TP Hà Nội đã chuyển 27 tỉ đồng tạm ứng sang thành vốn góp cổ phần cho Cty Thành Công. Điều này, có đúng với quy định của pháp luật?

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Việt Hà, nguyên Giám đốc Cty Mai Động: Để có mặt bằng thực hiện Hợp đồng hợp tác với Cty Thành Công, chúng tôi đã di dời cơ sở sản xuất, bàn giao mặt bằng và xây dựng địa điểm mới,... Tuy nhiên, Cty Thành công đã không chuyển đủ số tiền như cam kết, gây khó khăn cho doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ. Đến nay, cổ phần hóa, Cty Thành Công lại lấy tiền hợp tác kinh doanh giữa 2 công ty để làm vốn góp thì đương nhiên số tiền cam kết của Cty Thành Công đang về số không. Điều khó hiểu là phần tiền tạm ứng dự án đã chuyển thành vốn góp vào Cty Mai Động nên hiện Cty Thành Công chiếm phần lớn cổ phần trong Cty Mai Động. Và đương nhiên, dự án hay đất đai cũng phần lớn đều thuộc Cty Thành Công.  

Số tiền tạm ứng cho hợp đồng hợp tác giữa Cty Thành Công và Cty Mai Động sẽ được hai doanh nghiệp dàn xếp rành mạch nếu không có sự “vào cuộc sát sao” của lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Vậy phía sau vụ việc này, ai là người có lợi?

Sáng 19/8, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật gọi điện thoại cho ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Thành Công, đề nghị được gặp để xác minh thông tin liên quan đến một số nội dung trong hợp đồng hợp tác với Công ty Mai Động. Sau khi nghe phóng viên nêu vấn đề, ông Tuấn từ chối gặp. "Phóng viên cứ sang trực tiếp làm việc với Công ty Mai Động đi. Bên đó họ có các bộ phận, cả Chủ tịch và Tổng giám đốc đấy. Còn mình không liên quan gì đến bên ấy đâu. Ngày xưa mình có mua ít cổ phần của bên đó thôi", ông Tuấn nói. 

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.

Ghi nhận của phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, hiện diện tích đất hơn 34.000m2 tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì đã được san lấp, làm 11 sân bóng đá cho thuê với giá 800.000 đồng/trận (giờ vàng) và 400.000-500.000đồng/trận (giờ thường). Dư luận đặt câu hỏi việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa như vậy có đúng mục đích? Nếu không đúng mục đích thì có yêu cầu thu hồi để Nhà nước thực hiện các dự án khác?


Lê Sử - Hồng Nguyên