Chuối già lùn không có đầu ra
Cập nhật lúc 17:45, Thứ năm, 05/11/2015 (GMT+7)
Trồng chuối già lùn từ giống nuôi cấy mô được kỳ vọng là một mô hình xóa đói giảm nghèo mới ở xã vùng cao La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc). Tuy nhiên, hiện nay đồng bào đang lo lắng khi trái chuối không thể tiêu thụ được. (chuối già, Hàm Thuận Bắc, nông nghiệp)
Trồng chuối già lùn từ giống nuôi cấy mô được kỳ vọng là một mô hình xóa đói giảm nghèo mới ở xã vùng cao La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc). Tuy nhiên, hiện nay đồng bào đang lo lắng khi trái chuối không thể tiêu thụ được.
Xã La Dạ có 868 hộ dân, địa bàn tập trung đông bà con dân tộc K’ho, Tày, Mường, Chăm… Hiện tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn rất cao (toàn xã còn 167 hộ nghèo và 195 hộ cận nghèo). Chính vì vậy, trong những năm qua chính quyền địa phương đã triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm giúp bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Mô hình trồng chuối già lùn từ giống nuôi cấy mô là một điển hình.
Để giúp đồng bào tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, năm 2014 huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai mô hình trồng chuối già lùn ở xã La Dạ với diện tích ban đầu là gần 2 ha với 7 hộ tham gia. Đến nay mô hình đã được nhân rộng khoảng 20 hộ.
Khi tham gia mô hình bà con được hỗ trợ cây giống, phân bón và trang thiết bị tưới nước. Sau 9 tháng, cây chuối phát triển tốt và cho năng suất cao, bình quân 5 tấn/sào. Ban đầu với giá bán 3.000 đồng/kg, trừ chi phí bà con thu về khoảng 15 triệu đồng/sào, tăng thu nhập khiến bà con vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, niềm vui chưa được trọn vẹn khi chuối chỉ bán được lứa đầu, còn hiện tại không có người thu mua.
Ông B’rong Xam, ở thôn 2 cho biết: Gia đình ông hiện có 2 sào trồng chuối với khoảng 500 cây. So với nhiều loại cây trồng khác, chuối là loại cây trồng dễ chăm sóc, đầu tư phân bón ít, thích hợp trên đất đồi dốc. Với giống chuối này, cây mẹ rất khỏe và sinh ra nhiều cây con. Gia đình áp dụng đúng kỹ thuật được hướng dẫn của cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ, cây chuối phát triển tốt và cho năng suất rất cao. Trước đây, gia đình ông đã bán được khoảng 2 tấn chuối với giá 3.000 đồng/ kg, nhưng hiện nay chuối bắt đầu chín lại không có người mua. Gia đình đã cắt những buồng chuối chín ra chợ bán lẻ nhưng vẫn không giải quyết hết.
Ông B’Đam Thép, một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình đưa chúng tôi thăm vườn chuối sắp cho thu hoạch của gia đình. Ông cho biết, khi trồng mình hăng hái chăm sóc cho buồng chuối sai quả, trái to, gia đình rất phấn khởi. Mỗi lần thu hoạch, thương lái vào tận vườn chọn và cắt nhưng nay vườn chuối đang bị thương lái chê vì trái to.
Ông Huỳnh Thúc Mẫn, Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết: Chuối là cây trồng truyền thống được bà con ở đây trồng trên các nương rẫy. Tuy nhiên, từ trước đến nay, bà con vốn chỉ quen với việc trồng và chăm sóc diện tích chuối trồng từ nguồn giống hiện có tại địa phương. Mô hình chuối già lùn nuôi cấy mô hướng đến hình thành vùng thâm canh cây chuối nhằm thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, xóa bỏ tập quán đốt rừng làm rẫy theo mùa. Khi được nhân rộng sẽ góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc cho La Dạ (địa bàn có đồi núi chiếm 94% diện tích tự nhiên), đồng thời ngăn chặn xói mòn đất, bảo vệ môi trường. Những buồng chuối nặng trĩu đến kỳ thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra, người dân đành đứng nhìn chuối chín và rụng dần khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Ông B’Đam Thép ngậm ngùi chia sẻ: “Những tưởng bỏ bao công sức chăm sóc, vườn chuối sẽ cho trái ngọt, nhưng bây giờ cả vườn chuối đến kỳ thu hoạch lại không ai mua, đã thành trái đắng rồi”.
Trước tình hình này, ông Huỳnh Thúc Mẫn, cho biết: Xã đã kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ, các ngành chức năng có hướng giải quyết, tìm đầu ra cho trái chuối. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thương lái đến thu mua, đỡ được phần nào chi phí chăm sóc cho bà con nghèo nơi đây.
Theo Báo Bình Thuận
.