(BVPL) - Người tiêu dùng đang “ác cảm” với hàng Trung Quốc kém chất lượng. Thực tế rau củ nước này vẫn ngập chợ và đi vào bữa cơm hằng ngày của người dân.

 


Đặc biệt, hành tây thì các tiểu thương đều cho biết toàn là hàng TQ vì hiện Việt Nam không có hàng. Các loại rau củ khác như cà rốt, bông cải thì lượng hàng TQ và Đà Lạt tương đương nhau.

Anh P., một chủ vựa rau củ lớn chuyên nhập hàng TQ, chia sẻ: “Mùa này chỉ có một số loại rau củ nhập từ TQ như khoai tây, củ hành, bông cải vì nước họ đang vào mùa. Các loại xà lách, cải thảo, bắp cải do bên TQ chưa có hàng nên ở chợ đầu mối hiện giờ toàn là hàng Đà Lạt thôi!”.

Phù phép giá bán

Nhiều tiểu thương cho biết giá khoai tây TQ ngay tại chợ đầu mối chỉ khoảng 15.000 đồng/kg trong khi hàng Đà Lạt có giá gấp đôi 35.000 đồng/kg, có loại lên đến 40.000-45.000 đồng/kg. Cà rốt TQ khoảng 13.000 đồng/kg còn cà rốt Đà Lạt 23.000 đồng/kg.

Khảo sát tại các chợ lẻ cho thấy khoai tây TQ được bán với giá 25.000 đồng/kg, hàng Đà Lạt là 50.000 đồng/kg. Cà rốt TQ về chợ lẻ giá 15.000 đồng/kg trong khi cà rốt Đà Lạt giá 28.000 đồng/kg. Các tiểu thương chợ đầu mối tiết lộ do giá hàng TQ rẻ hơn, lại dễ bán nhiều hàng trong khi hàng Đà Lạt bán không lãi bằng nên các tiểu thương chợ lẻ mua về bán nhiều hơn.

Tuy nhiên, một tiểu thương cho biết về đến chợ lẻ, giá khoai tây, cà rốt, bông cải xanh TQ cũng có thể được bán ngang bằng giá hàng Việt Nam vì hầu hết người tiêu dùng mù mờ thông tin, không phân biệt được đâu là hàng TQ và Đà Lạt. Chỉ những người có điều kiện mới tìm mua hàng Đà Lạt giá cao.

Kiểm nghiệm chất lượng không đủ “gãi ngứa”!

Theo thông tin từ một cán bộ thuộc Bộ NN&PTNT, do những lô hàng mua của TQ dưới 2 triệu đồng không phải khai báo hải quan nên nhiều người đã lợi dụng để tách thành các lô hàng nhỏ đem qua biên giới. Do đó, việc kiểm soát lượng rau củ nhập về rất khó đưa ra con số chuẩn xác. Trong khi đó, việc mua bán lô hàng nhỏ ở các chợ không có hóa đơn, chứng từ, tiểu thương muốn khai báo thế nào cũng được.

Hơn nữa, cách kiểm soát chất lượng các mặt hàng rau củ tại chợ chỉ mang tính giám sát, chưa thể kiểm soát, ngăn chặn các lô hàng nếu có nhiễm độc tố. “Có hàng về thì BQL lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng đến khi đưa ra kết quả thì lô hàng đó đã vào bụng người dân mất rồi!” - vị này nói.

Mặt khác, bà Nguyễn Thanh Hà (Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Thủ Đức) nói: “Thuốc để kiểm tra dư lượng rau củ nhập về quá ít, giá thì quá đắt nên việc kiểm nghiệm mẫu rất hạn chế. Ví dụ, một đêm hàng về chợ khoảng 50 mẫu, giỏi lắm thì kiểm nghiệm được 10-20 mẫu chứ không thể đạt 100%. Do đó chưa ai dám khẳng định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ là an toàn tuyệt đối”.

Cũng theo bà, việc kiểm định chất lượng rau củ nhập phải chặt chẽ từ nhiều phía như đi từ cửa khẩu, hải quan rồi mới đến khâu phân phối như chợ đầu mối…

 “Thay áo” cho khoai tây

Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty Viên Sơn (Lâm Đồng, đi qua chợ thấy người ta lấy đất đỏ làm màu như màu của hàng Đà Lạt. Đây chắc chắn là hàng TQ, giá rẻ, còn có độc hay không thì không biết được. Những hộ buôn ở chợ sỉ, chợ đầu mối rau quả thường thực hiện chiêu này. Tại TP.HCM có trộn hàng TQ thành Đà Lạt hay không thì không biết nhưng tại Đà Lạt thì chỉ làm được với khoai tây thôi.

Còn ông Nguyễn Ái Mân, Giám đốc Công ty Rau quả VF (Đà Lạt) cho biết, nhìn bên ngoài là phân biệt được liền, không thể nào nhầm lẫn được dù có trét lớp bùn đất đỏ. Khoai tây TQ vỏ màu xám, mờ hơn. Hàng Đà Lạt vỏ hồng, trong hơn. Trung Quốc không có loại khoai tây vỏ hồng này. Khoai tây TQ có ruột vàng nhạt, trắng, hàng Đà Lạt vàng đậm. Không thể lấy kích cỡ củ làm tiêu chí phân biệt bởi đó là do kỹ thuật trồng.

Riêng cà rốt TQ thì quá rõ ràng như loại nào hồng hào, mượt mà là của TQ. Hàng xấu xí, xù xì là Đà Lạt. Bông cải xanh Đà Lạt kích cỡ nhỏ cũng xấu xí, mã không bằng hàng TQ. Bông cải trắng TQ đẹp hơn, hàng Đà Lạt to hơn, còn loại trung trung là hàng TQ, đặc biệt là màu trắng bạch, hàng Đà Lạt màu ngà ngà hơn tí.
 

Theo Người lao động

.