Mặc dù luôn chiếm ưu thế cả về số lượng lẫn chủng loại hàng hóa so với các quốc gia xuất khẩu khác nhưng hàng Trung Quốc lại bị chấm điểm thấp vì chất lượng kém và độc hại, có nhiều khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.
 


Do đó, trong vài năm trở lại đây, làn sóng “tẩy chay” hàng Trung Quốc đã lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, đang có nguy cơ trở thành làn sóng sục sôi khi mà những ngày qua, Trung Quốc liên tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Trên thực tế, việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc không phải là mới, ở nhiều nước trên thế giới phong trào này đã được phát động thành các chiến dịch. Nhiều báo cáo nghiên cứu về hàng hóa Trung Quốc đã chỉ ra mức độ độc hại và kém chất lượng khiến người mua phải cân nhắc khi sử dụng.

Tại khu vực Châu Á, từ năm 2008, một cuộc khảo sát quy mô lớn tại Nhật Bản cho thấy, có đến gần 76% người Nhật Bản  khẳng định sẽ không dùng hàng Trung Quốc nữa do vụ bê bối ngộ độc thực phẩm là bánh bao của Trung Quốc.

Tại Phillipines, tình trạng này cũng từng diễn ra mạnh mẽ do căng thẳng liên quan đến chủ quyền trên biển đảo. Tại Việt Nam, những ngày gần đây, trên các diễn đàn của cư dân mạng, chủ đề về tẩy chay hàng hóa Trung Quốc nhận được nhiều sự quan tâm.

Mạng xã hội Facebook còn lập 1 trang riêng mang tên “Tẩy chay hàng Trung Quốc” với sự tham gia của hàng nghìn thành viên. Lý do được đưa ra là để bảo vệ sức khỏe và “vì tương lai con em chúng ta”. Trong bối cảnh trên, những mẫu thông tin đề cập đến sản phẩm Trung Quốc kém chất lượng có nội dung cảnh báo như “ Các anh chị em gửi cho mọi người biết nhé. Tuyệt đối không ăn táo, cam, quýt, lê, nho… các loại hoa quả từ Trung Quốc.

Bên đó có lệnh cấm dân ăn các loại quả này vì phá hủy nội tạng. Thế nên, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam cũng không dám ăn hoa quả do chính nước mình sản xuất”, rồi “nguyên liệu sữa cho trẻ em bị nhiễm độc…” liên tục được lan truyền trên các diễn đàn mạng. Dù rằng, các thông tin này chưa được kiểm chứng độ chính xác, song có một thực tế là lâu nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện không ít mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đáng chú ý là các loại đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em; quần áo trẻ em sử dụng phẩm nhuộm gây hại; dư chất bảo quản, hóa chất trong hoa quả, rau xanh của Trung Quốc. Thậm chí, mới đây, một khách sạn tại TP Nha Trang còn không phục vụ khách du lịch là người Trung Quốc.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tẩy chay dùng hàng Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển là phản ứng tự nhiên của người dân Việt Nam. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng của hãng này hay của hãng khác, của quốc gia này hay của quốc gia khác, miễn là phù hợp với đòi hỏi chất lượng và túi tiền của họ.

Tuy nhiên, người dùng chỉ nên bài trừ hàng Trung Quốc kém chất lượng, vì nếu kêu gọi tẩy chay hoàn toàn hàng từ đất nước này thì dễ vi phạm vào quy định của WTO. Đó là chưa muốn nói tới chuyện, có nhiều mặt hàng nếu Việt Nam không nhập từ Trung Quốc thì trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta không nên tẩy chay khách du lịch Trung Quốc bởi đây chính là nguồn “xuất khẩu” tại chỗ, giúp Việt Nam giảm nhập siêu. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh rằng, đây chính là cơ hội tốt để các nhà sản xuất hàng Việt đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dùng và từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước
 

Theo ANTĐ