(BVPL) - Tại hội thảo mới đây về công nghệ sinh học do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, trước áp lực của sự gia tăng dân số, của nhập khẩu, sự tác động của biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt..., trong khi nhu cầu về lương thực ngày càng tăng đòi hỏi các quốc gia phải tìm kiếm các giải pháp về công nghệ sinh học. Cây trồng biến đổi gen chính lời giải cho rất nhiều vấn đề nan giải mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải.

Đòi hỏi cấp bách

Năm 2013, Việt Nam bỏ ra 3 tỷ đô la để nhập khẩu ngô và đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, còn tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này 8 tháng đầu năm 2014 là 2,83 triệu tấn, giá trị nhập khẩu là 734 triệu USD tăng gấp 2.5 lần về lượng và 1.8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Những con số này cho thấy, áp lực về nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam  ngày càng lớn. Đáng chú ý là nguồn nhập khẩu ngô của Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ thị trường những nước có diện tích trồng cây biến đổi gen (BĐG) lớn nhất thế giới như: Braxin, Argentina, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan…Theo thống kê của Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, nước ta nhập khẩu 36% ngô BĐG trên tổng số 1,7 triệu tấn mỗi năm, còn đỗ tương là 70% thực phẩm BĐG. Trong khi đó, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm diện tích đất canh tác của nước ta mất khoảng 70.000ha, trong khi dân số tăng thêm 1 triệu người/năm. Đó là chưa kể, cả nước còn tới 6,7% dân số thiếu lương thực, trong số này có tới 8,7% là nông dân. Việc ứng dụng các giống cây trồng BĐG chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu hạn, mặn tốt, kháng được sâu bệnh, cho năng xuất cao, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, giảm chi phí thuốc trừ sâu, công làm cỏ... là đòi hỏi cấp bách. Vì thế, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất sẽ giúp nước ta phát triển các giống cây trồng mới có những đặc tính này. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia. Cây trồng BĐG có thể là câu trả lời cho rất nhiều vấn đề nan giải mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải.

Công nghệ đã chín muồi

 

2
Ngô, bông, đậu tương biến đổi gen sẽ được trồng đại trà vào năm 2015.


Gần 20 năm qua, sản phẩm BĐG và cây trồng BĐG đã tồn tại tại 29 quốc gia. Năm 1996, mới chỉ có 1ha trồng cây BĐG thì năm 2014 đã là 17 triệu ha, với 18 triệu nông dân trồng và hưởng lợi. Báo cáo kết luận mới nhất của Tây Ban Nha cho thấy, việc ứng dụng cây trồng BĐG chống sâu độc thân đã giúp quốc gia này giảm thiểu hơn 850.000 tấn ngô nhập khẩu từ năm 1998- 2013 qua đó tiết kiệm được khoảng156 triệu ERO. Cũng có nhiều điều kiện gần gũi với Việt Nam nhưng Philippines - nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn và trồng ngô BĐG làm thức ăn chăn nuôi từ năm 2003. Ngô là cây trồng quan trọng thứ hai tại đây và năm 2012 quốc gia này đã tự đảm bảo nguồn cung về ngô không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như trước. Philippines đã có 68 phê chuẩn cho việc sử dụng trực tiếp cây trồng BĐG làm thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi và chế biến. Theo ước tính, công nghệ mới đã giúp người trồng ngô ở đây giảm 60% lượng thuốc sâu, tăng năng suất thêm 34% so với ngô thông thường và quan trọng nhất là lợi nhuận tăng 218 USD/ha (cho hai vụ). Việt Nam đã gần 10 năm xem xét,  khảo nghiệm về cây BĐG. Xác định rõ vai trò của công nghệ sinh học đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là việc đảm bảo an ninh lương thực, ngay từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/1/2006 về Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2010, ngành nông nghiệp sẽ tạo hoặc tiếp nhận, làm chủ một số công nghệ sinh học hiện đại, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành nông nghiệp Việt Nam. Chọn, tạo ra một số dòng cây trồng BĐG trong phạm vi phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên đồng ruộng.  Năm 2015, phát triển công nghệ sinh học hiện đại, tập trung vào công nghệ gen. Đưa một số cây trồng BĐG vào sản xuất đại trà gồm: ngô, bông và đậu tương. Đến năm 2020, diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng kỹ thuật công nghệ sinh học chiếm trên 70 %, trong đó diện tích trồng trọt giống cây trồng BĐG sẽ chiếm 30-50%. PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, sau khi triển khai thí nghiệm trồng ngô BĐG ở Hưng Yên cho kết quả khả quan, chúng tôi tin loại cây trồng này có thể vững vàng trước các điều kiện thời tiết cực đoan bởi khả năng kháng sâu và thuốc diệt cỏ tốt, năng suất nhờ đó tăng lên, giảm chi phí đầu tư. Thành công này, cùng cơ sở hành lang pháp lý thuận lợi khẳng định nông nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng với cây trồng BĐG.

Không còn nghi ngại
 

Theo tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) nhận định trong 50 năm nữa sản lượng lương thực của loài người phải tăng lên 100% mới đủ đáp ứng cho nhu cầu. Họ cũng phân tích rõ trong đó 20% là tăng từ khai hoang đất, 10% từ tăng năng suất và tới 70% tăng từ áp dụng những công nghệ mới (GMO chỉ là một trong những giải pháp công nghệ mới mà con người ứng dụng).

Đánh giá về loại cây trồng BĐG, PGS.TS Lê Huy Hàm phân tích: Thế giới đã có lịch sử trồng và sử dụng sản phẩm BĐG từ rất lâu, hiện có khoảng 350 triệu người sử dụng nhưng đến nay chưa từng ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào cho thấy loại cây trồng này và sản phẩm của nó không an toàn đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định, cây trồng sinh học đã được nghiên cứu và kiểm định tính an toàn tại các nước phát triển, có điều kiện khoa học cao như Mỹ. Tại các nước đó, họ đã chứng nhận tính an toàn và cho phép sử dụng rộng rãi thì không có lý do gì một nước có nền khoa học chưa được đầu tư nhiều – mới chỉ chiếm 0,3% GDP – so với các nước phát triển là 3 – 5% GDP thì lại cứ đi tranh cãi mãi về tính an toàn. Về hiệu quả của cây trồng sinh học, bản thân tôi đã đi sang Philippines thăm các ruộng khảo nghiệm thì thấy rất rõ ràng. Ở bên ruộng đối chứng bị sâu hại tàn phá rất nặng nề, có những bắp bị sâu ăn gần hết trong khi ở ruộng BĐG không hề có sâu hại, bắp rất đẹp, hiệu quả rất rõ ràng. Theo tôi, không nên cứ tranh cãi mãi. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã từng nói: Người ta sợ ma vì không bao giờ nhìn thấy nó, một số người sợ cây trồng BĐG cũng bởi chưa nhìn thấy nó bao giờ. Phải đưa cây BĐG trồng trong thực tế, để người ta nhìn mới thuyết phục nổi, xua đi những ám ảnh mà họ tự nghĩ ra về cây trồng BĐG. Còn Tiến sỹ Clive James - người sáng lập và chủ tịch danh dự Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho rằng: Các lợi ích và sự an toàn của cây trồng BĐG đã được khẳng định tại những nước có đến một nửa dân số thế giới đang sinh sống. Chúng ta không cần sáng tạo lại cái bánh xe, không cần đi ngược lịch sử làm gì bởi cây trồng BĐG đã được trồng trên thế giới tới nay gần 20 năm hết sức an toàn mà không hề có một chứng minh khoa học nào đủ sức bác bỏ.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chính thức về tính an toàn về sinh học và an toàn thực phẩm cho một số sản phẩm BĐG. Sự kiện này là một dấu mốc cho nền nông nghiệp Việt Nam. Nhưng để phát huy thế mạnh của cây BĐG thì bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý, hãy cho người nông dân Việt Nam thấy được hiệu quả kinh tế khác biệt của cây trồng BĐG.
 

Trần Mai

.