Cân nhắc bài toán kiểm soát chặt nguồn xăng dầu nhập khẩu
Cập nhật lúc 15:00, Thứ bảy, 17/10/2015 (GMT+7)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lo ngại giá thành sản xuất tại hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi các hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ. Chính vì vậy, đơn vị này đã có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hạn chế nhập khẩu xăng dầu, buộc doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước phải sử dụng sản phẩm của hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng PVN đang muốn "ép" doanh nghiệp nội, người tiêu dùng và điều này hoàn toàn đi ngược lại với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. (bài toán, xăng dầu , nhập khẩu)
(BVPL) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lo ngại giá thành sản xuất tại hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi các hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ. Chính vì vậy, đơn vị này đã có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hạn chế nhập khẩu xăng dầu, buộc doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước phải sử dụng sản phẩm của hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng PVN đang muốn “ép” doanh nghiệp nội, người tiêu dùng và điều này hoàn toàn đi ngược lại với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Tình hình này khiến PVN lo ngại, việc thực hiện bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn là khó khăn rất lớn đối với PVN, nhất là khi giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ cao hơn đối với xăng dầu nhập khẩu nếu áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do. Khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ rất khó khăn do không cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu ngay trên thị trường VN.
Bởi vậy, đơn vị này mới kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề còn khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong bao tiêu sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; Điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp qouta nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất để đảm bảo tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm…
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng PVN lo ngại không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu nên đã dùng chiêu bài này để ép doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Thực tế, chúng ta đang trong tiến trình hội nhập, chúng ta không nên quy định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải mua xăng dầu sản xuất trong nước rồi mới được nhập khẩu. Trước đây, PVN đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, lọc dầu Dung Quất cũng do đơn vị này đầu tư. Như vậy, nếu như kiến nghị của PVN được đáp ứng thì rõ ràng là sẽ xảy ra vấn đề độc quyền trong việc cung cấp các sản phẩm hóa dầu. Kinh doanh theo cơ chế thị trường tức là phải có lãi, có lỗ, đó là ưu tiên hàng đầu đối với bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tính đến mức chênh lệch giữa giá xăng dầu sản xuất trong nước và giá nhập khẩu. Nếu giá bán trong nước cao hơn giá nhập khẩu, việc ép doanh nghiêp trong nước phải mua xăng dầu trong nước thì rõ ràng là người tiêu dùng không được hưởng lợi gì cả do phải sử dụng xăng dầu với giá cao hơn.
Thời điểm này, việc của PVN là phải tìm cách tính toán để giảm giá thành trong nước, từ đó cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu chứ không phải là buộc doanh nghiệp trong nước phải sử dụng sản phẩm của mình.
Đi ngược dòng hội nhập
Xăng dầu là mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Nó tác động đến rất nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Đặc biệt với Việt Nam, chúng ta phải nhập khẩu trên 70% xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trong nước cho nên giá xăng dầu nội địa phụ thuộc rất lớn vào thị trường xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới khiến sự hòa đồng giữa thị trường trong nước và thế giới là điều tất yếu. Đặc biệt, xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, yếu tố chính trị có tác động rất lớn đến sự tăng giảm.
Nghị định số 84/2009/NĐ - CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã xác định nguyên tắc cơ bản là: “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Như vậy, Nhà nước trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp có quyền yêu cầu Nhà nước bao tiêu sản phẩm trong nước.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu PVN kêu khó và xin ưu đãi với các dự án lọc dầu. Trước đó, từ cuối năm 2014, Tập đoàn này đã không ít lần kiến nghị giảm thuế với sản phẩm của nhà máy Dung Quất để cạnh tranh với xăng dầu nhập ngoại.
Như vậy, bài toán đặt ra là nếu như yêu cầu của PVN được đáp ứng thì rõ ràng là đã nảy sinh câu chuyện độc quyền trong việc cung cấp sản phẩm xăng dầu trong nước. Thực tế, thị trường của chúng ta không chỉ có một mặt hàng là xăng dầu. Chúng ta còn rất nhiều các sản phẩm khác, nếu như ngành nào, lĩnh vực nào chúng ta cũng đòi hỏi phải bao tiêu sản phẩm trong nước cho dù sản phẩm đó giá thành có cao hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu thì thị trường sẽ như thế nào? Và nếu nhìn ở một góc độ khác thì rõ ràng là người tiêu dùng sẽ là người thiệt thòi nhiều nhất.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc ký thỏa thuận bao tiêu sản phẩm cần phải được cân nhắc kỹ bởi điều này có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mà giá thành sản phẩm trong nước cao hơn nhập khẩu.
Hữu Bắc
.