leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: BTC cung cấp.

Nhiều cách hiểu chưa đồng nhất

Hội thảo cung cấp góc nhìn toàn cảnh về thị trường, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước thực trạng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu gia tăng. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế -  Thông tin - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: Hiện nay, thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách hiểu chưa đồng nhất về các dòng sản phẩm, dẫn tới thực tế người tiêu dùng chưa được tiếp cận với các thông tin đầy đủ, chính thống. Việt Nam hiện đang thiếu một khung pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm này, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế - Thông tin - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.

Theo khoản 1 Điều 2 của Luật phòng chống tác hại thuốc lá định nghĩa sản phẩm  “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

Khoản 3 Điều 2 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, định nghĩa nguyên liệu thuốc lá là “lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.

Khoản 2 Điều 2 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá định nghĩa “Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít và ngậm sản phẩm thuốc lá”. 

Xét về các khía cạnh thì cả TLLN và TLĐT đều phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành các quy định phân loại Thuốc lá làm nóng và Thuốc lá điện tử vào các dạng sản phẩm “thuốc lá khác” theo các cam kết quốc tế của Việt Nam. Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đều được phân loại dưới mã HS 2404.

Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới, bao gồm cả thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) không thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo Luật Đầu Tư.

Cần thiết xây dựng một khung pháp lý toàn diện để quản lý

Tại phiên thảo luận, các đại biểu, chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã tâm huyết đánh giá thực trạng, thảo luận, phân tích, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cụ thể về công tác quản lý TLTHM tại Việt Nam.

Bà Hà Thị Doánh, Đại diện Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục quản lý Thị trường, Bộ Công thương khẳng định: Nhu cầu sử dụng TLTHM ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, hiện tại, do hành lang pháp lý và thuế chưa được thiết lập cho thuốc lá thế hệ mới, tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam đều được nhập lậu và tiêu thụ tràn lan trên thị trường “chợ đen”. Các sản phẩm nhập lậu này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa, không bảo đảm an toàn chất lượng.

leftcenterrightdel
 Bà Hà Thị Doánh, Đại diện Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục quản lý Thị trường, Bộ Công thương.

Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan Quản lý thị trường trong việc kiểm soát và xử phạt bởi lẽ, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa có quy định pháp luật quản lý cụ thể. Hầu hết các vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh mặt hàng này chỉ có thể áp dụng Điều 15 (kinh doanh hàng hóa nhập lậu) hoặc Điều 17 (kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ) tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ, để xử lý.

Đồng thời, do chưa có căn cứ pháp luật để xác định một số loại thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nên việc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 190, 191 (Tội Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không thể được áp dụng.

Theo đó, cơ quan quản lý thị trường chỉ tịch thu tang vật, xử phạt hành chính với mức cao nhất là 50 triệu đồng. Hình thức xử phạt này chưa tương xứng, dẫn đến công tác kiểm soát, ngăn ngừa từ các cơ quan chức năng càng khó có thể thực hiện.

Để giải quyết vấn đề này, bà Doánh cho rằng, Việt Nam không nên tiếp tục để ngỏ thị trường cho các sản phẩm lậu hoành hành mà cần ban hành một khung pháp lý đồng bộ, đồng thời áp dụng cho cả thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng để giải quyết dứt điểm những bất cập nêu trên, góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu đang ngày càng gia tăng, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý mặt hàng này.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây và rất đáng lo ngại, gây ra các hệ lụy về an sinh xã hội và sức khỏe người dùng.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Thứ nhất, đối với người tiêu dùng, do các sản phẩm nhập lậu, hoàn toàn không chịu sự kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu, do đó, sức khỏe người tiêu dùng gặp rất nhiều rủi ro.

Thứ hai, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp thường được dùng để hỗ trợ cho các hoạt động bất hợp pháp khác gây ra những bất ổn tiềm tàng cho xã hội.

Thứ ba, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước và thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.

Thứ tư, các cơ quan quản lý thị trường đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm do chưa có một khuôn khổ chính sách đầy đủ cho thuốc lá mới và không có sản phẩm hợp pháp thay thế trên thị trường.

Thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới đã rất rõ ràng, đây là thời điểm cần phải có một giải pháp quản lý nhằm hài hòa lợi ích Nhà nước, người hút thuốc và doanh nghiệp cũng đã được Chính phủ chỉ đạo”, ông Cường nhấn mạnh.

Về giải pháp, ông Cường cho rằng, không nên chọn giải pháp “không quản được thì cấm”. Nếu có đầy đủ căn cứ khoa học để chứng minh rằng: TLTHM ưu việt hơn, việc sử dụng TLTHM ít tác hại hơn so với thuốc lá truyền thống và ít tác hại hơn cho những người xung quanh thì tại sao lại cấm? Tôi nghĩ: Việt Nam nên sớm có chính sách quản lý phù hợp” – ông Cường chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Mạnh Cường, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh bày tỏ: Về nguyên tắc, khi cấm mà trên thị trường vẫn còn tồn tại thì chính sách Nhà nước cần có ứng xử phù hợp. Trên thực tế, dù muốn hay không vẫn đang có rất nhiều người hút thuốc. Trong khi đó, đã có chứng minh, thuốc lá thế hệ mới ít tác hại hơn so với thuốc lá truyền thống. Thay vì ngăn cấm, chúng ta mong muốn có một chính sách phù hợp hơn để ai cũng phải tuân thủ.

leftcenterrightdel
  Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

“Chính vì vậy, tôi đồng ý cần có khuôn khổ để đưa hai sản phẩm TLTHM phổ biến ở Việt Nam hiện nay là TLLN và TLĐT hệ thống đóng vào quản lý đồng thời. Việt Nam có thể đưa TLTHM trở thành 1 sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Chúng ta cần có quan điểm chấp thuận để từng bước bắt kịp xu hướng” – chuyên gia Võ Trí Thành chia sẻ.

Nhận thấy cần chính sách để quản lý mặt hàng thuốc lá thế hệ mới này, ông Cao Trọng Quý - Trưởng phòng Công nghiệp, tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết: Bộ Công thương hiện đang xây dựng chính sách quản lý mặt hàng TLTHM để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chiến lược Quốc gia, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa chủ thể liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế và những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Về phía Bộ Tài chính, bà Lê Thùy Linh - Phó phòng chính sách thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt - Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết: Theo chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đang yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu đánh giá về mặt hàng TLTHM. Trong trường hợp TLTHM được phép nhập khẩu tại Việt Nam thì TLTHM sẽ là mặt hàng chịu thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt.

leftcenterrightdel
 Bà Lê Thùy Linh - Phó phòng chính sách thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí. Ảnh: BTC cung cấp.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nêu ra một số kiến nghị giải pháp để Nhà nước quản lý hiệu quả sản phẩm này, bao gồm: Chính phủ cần tăng cường hợp tác với các chủ thể của ngành thuốc lá, các hiệp hội tiêu dùng, tổ chức nghiên cứu - khoa học uy tín độc lập để nắm bắt xu hướng phát triển của TLTHM, đặc điểm cấu tạo và sự phát triển của từng loại sản phẩm, cập nhật bằng chứng khoa học đúng đắn, tiếp tục hoàn thiện khung chính về quản lý, giảm thiểu tác hại, nâng cao nhận thức thực chất đối với người sử dụng.

Cần một khung pháp lý toàn diện, sẽ bao gồm quy định về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, điều kiện kinh doanh, sản xuất, xuất - nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa… Hiện nay, Việt Nam đã có khuôn khổ khá đầy đủ và tương đồng, cần đặt ra một số điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế và từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp đối với các sản phẩm TLTHM.

Hội thảo một lần nữa khẳng định tính cấp thiết cần phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả TLTHM tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn những thông tin trình bày và thảo luận tại hội thảo sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật về TLTHM tại Việt Nam.

 

Qua nghiên cứu thực tế, việc một số ít quốc gia áp dụng lệnh cấm TLTHM là không khả thi, trong bối cảnh thế giới có nhiều quốc gia đã hợp pháp sản phẩm, tại thị trường Việt Nam chưa có sản phẩm hợp pháp thay thế. Việc cấm TLTHM sẽ không giải quyết được tận gốc mọi vấn đề vì khi có nhu cầu mà không thể tìm được nguồn cung hợp pháp, người tiêu dùng đã và sẽ tiếp tục tìm đến các sản phẩm bất hợp pháp với rất nhiều hệ lụy về sức khỏe và kinh tế, xã hội.


PV