Loại cam xanh đang bán tràn lan ở các tuyến đường và vỉa hè Hà Nội với giá 12.000 – 15.000 đồng/kg không hẳn là cam Trung Quốc mà có thể là quýt Ôn Châu của Việt Nam.

 


Việt Nam và Trung Quốc đều có

Tìm hiểu nguồn gốc của loại cam trên, PV liên lạc với Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam thì được biết rằng, loại “cam xanh” này không phải là cam mà thực chất là quýt. Cả Việt Nam và Trung Quốc cùng trồng loại quýt này chứ không phải là Việt Nam không có như thông tin dư luận thời gian qua.

Cụ thể, tại Việt Nam, tên gọi là quýt Ôn Châu có nguồn gốc từ Nhật Bản, trồng tại huyện Cao Phong, Hòa Bình. Quýt Ôn Châu đã cho thu hoạch khoảng một tháng trở lại đây. Còn tại Trung Quốc, quýt này có tên gọi nếu phiên âm đọc là “Sát-sư- ma”.

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là diện tích trồng quýt Ôn Châu tại Cao Phong, Hòa Bình chỉ khoảng 5 – 7 ha, sản lượng cho thu hoạch thương phẩm vì thế không nhiều nên không thể có nhiều đến mức được bán tràn lan như tại Hà Nội hiện nay.

Do đó, hiện trên thị trường Hà Nội, loại quýt trên có thể là quýt Ôn Châu, cũng có thể là quýt Trung Quốc. Nếu nhìn hình dáng thì khó có thể phân biệt nguồn gốc là của Việt Nam hay Trung Quốc.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của người tiêu dùng thì cũng là chọn được loại quýt có độ an toàn thực phẩm cao, ít bị bảo quản bằng hóa chất.  

Về vấn đề này, tiến sỹ Vũ Việt Hưng, Phó Phụ trách Bộ môn Cây ăn quả, Viện nghiên cứu Rau quả lưu ý, người tiêu dùng có thể nhìn vào thời gian bảo quản, độ tươi, màu sắc của quýt để nhận định xem nó có bị “ngậm” nhiều hóa chất hay không.

Theo TS Hưng, trong điều kiện thời tiết mùa thu, nếu như theo cách bảo quản của bà con nông dân đang làm tại Cao Phong và điều kiện vận chuyển tốt, không bị dập nát, rơi…và không dùng thuốc bảo quản thì quýt Ôn Châu sẽ giữ được lá, cuống và vỏ tươi trong 2 ngày. Nếu trong nhiều ngày mà quýt vẫn tươi thì có thể nó đã được dùng thuốc bảo quản.

 

Theo Khám phá

.