(BVPL) - Cà phê sạch hay cà phê an toàn là những sản phẩm mà tất cả các thành phần và hàm lượng thành phần đều an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Trên thị trường hiện nay, việc sản xuất và kinh doanh cà phê đang bị quá tải bởi nhiều chủng loại và mẫu mã. Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ làm cho người tiêu dùng không đủ thông tin và thiếu sự tin tưởng để tìm được sản phẩm cà phê đáng tin cậy. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung và ngành cà phê nói riêng.
|
Người tiêu dùng cũng cần nắm rõ cách phân biệt để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân. Nguồn: Internet |
Đầu tiên, cần phải phân biệt khái niệm cà phê bẩn và cà phê sạch. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm thuộc Đại Học Bách Khoa Hà Nội cho biết cà phê bẩn hay cà phê không an toàn là loại cà phê chứa các chất độc hại với hàm lượng vượt quá mức cho phép, và điều này sẽ có khả năng gây ra nguy cơ làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Còn cà phê sạch hay cà phê an toàn là những sản phẩm cà phê mà tất cả các thành phần, hàm lượng thành phần đều ở mức an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng sản phẩm cà phê bị nhiễm những chất độc hại trong quá trình sản xuất như máy móc được chế tạo từ chất liệu sắt, gỗ, men sứ, nhựa; nhà xưởng và nhân công không đảm bảo vệ sinh trong quá trình sản xuất; sử dụng các chất độc hại với tư cách là chất phụ gia; nguyên liệu đã bị hư hỏng, đặc biệt nguyên liệu đầu vào hạt cà phê hoặc các hạt ngũ cốc bị nấm mốc. Và nấm mốc chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho hạt cà phê bị nhiễm độc tố, gây hại đến sức khỏe người sử dụng.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải lưu ý trước các loại cà phê “nguyên chất” hoặc “trộn”. Bởi lẽ, cũng có cà phê nguyên chất bẩn, cà phê nguyên chất sạch và cà phê trộn bẩn, cà phê trộn sạch. Cà phê nguyên chất mà nguồn nguyên liệu, máy móc sản xuất… bị nhiễm độc thì đó vẫn là cà phê bẩn. Ngược lại, cà phê trộn mà các thành phần tham gia vào với mục đích làm tăng hương vị thơm ngon và an toàn cho sức khỏe thì đó vẫn là cà phê sạch.
Theo đó, doanh nghiệp cần minh bạch về các thành phần để không bị coi là gian lận thương mại. Nếu bất kỳ tổ chức hay cá nhân nói rằng, sản phẩm cà phê nào đó không an toàn hoặc bẩn thì nhất thiết phải đưa ra được bằng chứng để chứng minh sản phẩm chứa những thành phần độc hại vượt mức cho phép”.
|
Sản phẩm cà phê nhiều chủng loại. Nguồn: Internet |
Để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, các khái niệm phụ gia thực phẩm và hóa chất độc hại cũng cần được làm rõ. Hiểu một cách đơn giản thì phụ gia thực phẩm là tất cả những chất được phép sử dụng cho thực phẩm, còn hóa chất độc hại là tất cả các những chất không được phép sử dụng cho thực phẩm.
Phụ gia thực phẩm là những chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình chế biến, có thể có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, với mục đích làm tăng hương vị, màu sắc, làm thay đổi những tính chất vật lý, hóa học để tạo điều kiện dễ dàng trong chế biến, hoặc để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Thực tế hiện nay, nhiều chất hóa học có khả năng cải thiện rất tốt chất lượng sản phẩm thực phẩm nhưng lại độc hại đối với sức khỏe con người. Những chất có tính độc hại cao, các nhà khoa học nghiên cứu về sức khỏe đã không được đưa vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm, đồng thời các cơ quan chức năng cũng không cho phép sử dụng cho thực phẩm.
Không quá khó khăn để có thể phân biệt: cà phê sạch và cà phê bẩn, cà phê trộn sạch, cà phê trộn bẩn, phụ gia thực phẩm và hóa chất độc hại, thì việc lựa chọn một sản phẩm chất lượng hầu như không còn là vấn đề nan giải nữa.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quang Trung khuyến cáo rằng để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng không nên lựa chọn những sản phẩm có mức giá quá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chưa được kiểm định, với nhãn mác không rõ ràng.
Thùy Hương (t/h)