Người tiêu dùng cần phải quan sát kỹ lưỡng trước khi mua thịt. Đó là lời khuyên của PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Theo bà Hảo, chất cấm khi vào cơ thể vật nuôi khiến sợi cơ phình to ra mà không tăng DNA (Deoxyribonucleic acid) trong tế bào sợi cơ, vì vậy chỉ làm cho thịt nạc trở nên khô, thô và nghèo chất béo, mất đi sự mềm mại, mất vị béo của thịt.
“Hiện nay, các loại thực phẩm như giò, chả lụa… khi sử dụng thịt lợn này để chế biến thường bị cứng mà không cần đến hàn the. Hầu hết những chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là những hợp chất có nguồn gốc tổng hợp, nên đều có khả năng tồn dư trong thịt, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng…”, bà Hảo cho hay.
Trước thực trạng chất cấm ngày càng nhiều trong thịt, bà Hảo cũng đưa ra những phương cách giúp người tiêu dùng nhận biết như: Xem lớp mở bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thông thường lợn được sử dụng chất tạo nạc lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1 cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường 1,5-2,0 cm.
Về màu sắc, thịt lợn có chứa chất cấm thường có màu đỏ khách thường, sáng và bóng, có những quầng đỏ thâm dưới da. Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thằng được trên bàn, khi dùng tay ấn vào miếng thịt và lấy ra miếng thịt không trở về hình dạng ban đầu chứng tỏ thịt lợn này có độ đàn hồi kém.
Ngoài ra, người tiêu dùng phải quan sát chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra thì đó là thịt siêu nạc có sử dụng hóa chất.
Đặc biệt, lợn có chứa chất cấm khi giết thịt hay có màu đỏ sậm ngả sang đen, thịt mất đi tính hấp dẫn vốn có. Trên bề mặt da ở các vị trí khớp, khuỷu…có những quầng chấm đỏ lan rộng, pha lẫn sậm đen. Những biểu hiện đó thể hiện vật nuôi bị hóa chất làm vỡ các mao mạch, khiến máu tung tóe ở phía dưới da, hệ quả của việc khi bị stress trước lúc giết mổ.
Theo Người tiêu dùng