(BVPL) - Để kiềm chế tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Y tế vừa kết hợp đưa ra một số biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát vấn đề này dịp Tết Nguyên đán.
 


Thống kê của Cục ATTP cho thấy, trong 10 tháng năm 2015, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.000 người mắc, trong đó có 21 người tử vong. Trong tổng số vụ ngộ độc nói trên, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ khiến gần 5.000 người mắc và nhập viện, trong đó 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn không bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do việc mất an toàn thực phẩm của bếp ăn tại chỗ.

Chính vì thế, trong văn bản của Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các lực lượng chức năng, ban ngành liên quan khẩn trương tiến hành tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh, các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.
Bộ này cho biết, việc thanh kiểm tra sẽ tập trung vào các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành như: thịt, cá, trứng, giò, chả, nem, lạp sườn, các loại hạt (hướng dương, hạt bí, hạt dưa...), măng, mộc nhĩ, nấm… và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cơ sở phối hợp chặt chẽ với các ngành Công thương, Y tế trong thanh, kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán như: rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, ô mai…

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát ATVSTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố.

Tháng 10/2015, Bộ NN&PTNT đã phát động Đợt cao điểm hành động năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào các tháng cao điểm Tết. Tháng 12/2015, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã ban hành Kế hoạch công tác Bảo đảm An toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân 2016.

Với hàng loạt vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, sử dụng tràn lan chất cấm trong nông nghiệp vừa bị các cơ quan chức năng phát hiện, phanh phui, cùng các biện pháp mà hai bộ đưa ra hy vọng sẽ đủ sức “tuyên chiến” với các đối tượng “buôn gian, bán lận”  coi thường mạng sống và sức khỏe người dân, góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng, qua đó phòng chống ngộ độc thực phẩm một cách có hiệu quả.
 

Khoa Nguyên

.