Vụ cà phê 2013-2014 đã bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đang “đứng ngồi không yên”bởi năm nay cà phê không chỉ mất mùa vì dịch bệnh mà còn bị rớt giá thê thảm.
 


Theo Chi cục Phát triển Nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT), giá cà phê thời gian qua biểu hiện thất thường, chênh lệch nhiều qua từng phiên giao dịch (hàng ngày) với mức giá thấp nhất là 36.000 đồng và cao nhất là 44.000 đồng/kg. Sở dĩ, giá cà phê biến động liên tục là do tác động nhiều yếu tố như: giá cả thị trường thế giới, thời tiết, mùa vụ và cả những tính toán của người nông dân, đại lý thu mua. Hiện nay, giá cà phê đang được thương lái mua tại vườn là 30.000-32.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng cà phê đang lo lắng vì chỉ đủ cho chi phí bỏ ra mà chưa có lãi. Vì vậy, dù đã vào vụ thu hoạch 2 tuần nhưng phần lớn nông dân vẫn chưa muốn bán mà đang ghim hàng để chờ giá lên.

Anh Trần Ngọc Phú, một nông dân trồng cà phê tại xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) cho biết, mọi năm vào đầu vụ thu hoạch, thường thì giá cà phê tăng cao, nhưng năm nay lại giảm mạnh. Theo phản ảnh của người trồng cà phê tại xã Láng Lớn, Kim Long, Quảng Thành (huyện Châu Đức), đầu vụ cà phê này giá đột ngột giảm 6-7 nghìn đồng/kg so với bình thường và hiện chỉ còn khoảng 30-32 nghìn đồng/kg, là mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Không chỉ mất giá, nhiều hộ gia đình còn bị giảm sản lượng từ 20-30% do cà phê bị sâu bệnh, thời tiết bất lợi. “Bình quân, 4 sào cà phê của tôi mọi năm cho thu hoạch trên 2 tấn, nhưng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất cũng bị giảm khoảng 30%”, anh Phú cho biết. Lo sợ sẽ lỗ vốn nên dù cà phê đang chín anh Phú cũng như các hộ xung quanh chưa dám bỏ tiền thuê nhân công hái. “Cây nào chín thì tự bỏ sức hái cây đó. Khi nào chín rộ cả vườn mới dám thuê nhân công”, anh Phú nói thêm.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp cà phê BR-VT mất mùa do thời tiết không thuận lợi, gió và mưa lớn trong thời điểm cà phê ra hoa đậu trái, nên tỷ lệ đậu trái thấp. Cũng theo phản ảnh của người dân tại huyện Châu Đức, ngoài việc chịu bất lợi về thời tiết thì trong năm 2013 cây cà phê cũng bị sâu bệnh phá hoại nặng nề. Trong tháng 4-2013 khoảng 40% diện tích cà phê tại huyện Châu Đức dính dịch rệp sáp làm cho cây cà phê bị còi cọc, suy nhược... Đến tháng 8-2013, cây cà phê lại bị bệnh đốm vàng- rỉ sắt (gây rụng lá, giảm tỷ lệ ra hoa và đậu quả). Anh Trần Anh Dũng, một trong những hộ trồng cà phê tại xã Láng Lớn than vãn: “Thời tiết và sâu bệnh làm sản lượng giảm thê thảm. Mọi năm gần 2 hecta cà phê của mình cũng thu hơn 4 tấn, vụ này chỉ đạt 3 tấn là cùng. Trong khi tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thợ, tiền điện (dùng bơm nước tưới) đều tăng. Với giá cà phê như hiện nay thì chỉ có lỗ”.

Trước thực trạng cà phê mất mùa liên tục trong 2 năm liên tiếp và hiện đang rớt giá nên nhiều hộ nông dân không có kinh phí đầu tư tái sản xuất, người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh kiến nghị: Nhà nước nên hỗ trợ người dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để cải thiện năng suất, đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi để người trồng cà phê tái phát triển sản xuất.

Theo phán đoán của người trồng cà phê, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi thời gian gần đây nên thời gian thu hoạch cà phê chậm lại, giá cà phê có thể tăng nhẹ trong những ngày tới. Tuy nhiên, theo Chi Cục Phát triển Nông thôn, giá cà phê phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sản lượng của các quốc gia xuất khẩu hàng đầu và lượng hàng tồn kho cũng như chính sách đầu cơ của người nắm giữ hàng. Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội Cà phê Việt Nam, xuất khẩu cà phê những tháng cuối năm không có gì khả quan, bởi hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ và Đức đang co hẹp hơn.

 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.