leftcenterrightdel
 Một vụ vận chuyển trái phép pháo nổ được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ chủ yếu lợi dụng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang, thùng để cất giấu pháo nổ nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Các vụ việc vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép pháo nổ nổi lên tại một số địa phương như: Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn... Đặc biệt, có vụ việc vận chuyển với khối lượng lớn lên đến 700 kg pháo nổ.

Cụ thể, vào hồi 18h45 ngày 18/10/2023, Công an TP Lạng Sơn chủ trì phối hợp các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tiến hành kiểm tra xe ô tô đầu kéo do Lương Ngọc Tùng, trú tỉnh Bắc Giang điều khiển, phát hiện, thu giữ hơn 700 kg pháo các loại.

Qua đấu tranh, đối tượng Tùng khai nhận, trong quá trình nhận vận chuyển thuê hàng hóa, đã mua số pháo trên tại Trung Quốc để mang về Bắc Giang tiêu thụ.

Đến 19h15 cùng ngày, Công an thành phố tiếp tục chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan làm nhiệm vụ trên tuyến đường Quốc lộ 1A, gần khu vực Bến xe phía Bắc thuộc địa phận xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn kiểm tra xe ô tô đầu kéo do Trần Văn Điệp, trú tỉnh Bắc Giang điều khiển, phát hiện 120 hộp pháo, có tổng trọng lượng 168 kg.

Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như: đường kính, thuốc lá, bia, mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh... cũng là các mặt hàng được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hướng tới, tập trung tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng...

Ngoài các mặt hàng trên, Cơ quan Hải quan cũng đã phát hiện việc vận chuyển sách, báo có nội dung không phù hợp với văn hóa phẩm của Việt Nam, như: Vụ việc do Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện hành khách nhập cảnh mang theo 69 đầu sách có tựa đề: “Giáp chiến cộng sản”, “Khối 8406 tự do dân chủ cho Việt Nam”…

Kết quả, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ ngày 16/9-15/10/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.238 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 666 tỉ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 9 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 48,8 tỉ đồng. Lũy kế 10 tháng năm 2023 (từ 16/12/2022 đến 15/10/2023), đã phát hiện, bắt giữ và xử lý là 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.691,7 tỉ đồng. Đồng thời, khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là hơn  433 tỉ đồng...

Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại như: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại Iphone nhập lậu trên tuyến hàng không; Cảnh báo về thủ đoạn vận chuyển tiền chất ma tuý qua đường hàng không và chuyển phát nhanh; Hướng dẫn nghiệp vụ trong việc sử dụng máy phát hiện ma tuý; Hướng dẫn, chấn chỉnh công tác báo cáo về ma túy...

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống rửa tiền; chống tài trợ, phòng chống khủng bố, Tổng cục Hải quan đã thực hiện các nhiệm vụ của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền quốc gia, Tổ giúp việc sau đánh giá đa phương APG, Nhóm đánh giá rủi ro quốc gia về phòng chống rửa tiền trong việc tổng hợp số liệu, báo cáo, tham gia ý kiến, đánh giá rủi ro của ngành Hải quan liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ, phòng, chống khủng bố. Góp ý dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

 

Minh Nhật