Nông sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội xuất khẩu lớn với hàng loạt  hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết. Nhiều thị trường khó tính, như: Mỹ, Úc... đã mở rộng cửa hơn cho việc nhập khẩu các loại nông sản, đặc biệt là trái cây.

 

Ông Phùng Văn Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Bình Lộc (TX.Long Khánh), cho biết: “Chôm chôm của HTX tuy đã được chứng nhận VietGAP nhưng chủ yếu vẫn bán cho thương lái với mức giá cào bằng ngoài thị trường. Chúng tôi làm sản phẩm sạch với mong muốn hướng đến xuất khẩu, có được đầu ra ổn định cho sản phẩm nhưng hiện vẫn rất bối rối không biết phải làm gì để tiếp cận được thị trường này”.

 

Ông Nguyễn Văn Hòe, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Long Khánh đã hình thành đuợc vùng chuyên canh nấm. Đây là mặt hàng xuất khẩu tốt nhưng sản phẩm luôn rơi vào cảnh rớt giá do thị trường chỉ có thương lái thu mua và thao túng. Xã viên chúng tôi cũng rất quan tâm sản xuất an toàn theo hướng VietGAP nhưng do chưa có đầu ra cho sản phẩm sạch nên rất khó thực hiện. Mới đây, tôi được nghe nhiều thông tin về các hiệp định thương mại tự do, về cơ hội và thách thức của nông nghiệp Việt Nam khi bước vào hội nhập. Nhưng chỉ nghe thông tin chung chung như thế tại các hội nghị rồi về thì như “thả người mù ra đường” vì nông dân chúng tôi không biết cụ thể cần phải làm gì, chuẩn bị gì để tham gia hội nhập, để sản phẩm có thể xuất khẩu tốt”.

Thay đổi về nhận thức

Hiện rất nhiều HTX  trên địa bàn tỉnh đang đăng ký được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với mục tiêu làm sản phẩm theo chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, các HTX vẫn chủ yếu làm theo phong trào vì họ vẫn rất mù mờ về thông tin hội nhập và nhất là những yêu cầu cụ thể của từng thị trường xuất khẩu.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX sầu riêng Xuân Định (huyện Xuân Lộc), tỏ ra lo lắng: “HTX đã ký được biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp cung cấp sầu riêng với đơn hàng lớn nhưng lại lo lỡ cơ hội bởi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nông sản. Cụ thể như hiện nay, thương lái Trung Quốc đang trả giá cao để thu gom sầu riêng và họ sẵn sàng cắt sầu riêng non. Nông dân thấy lợi trước mắt đang đổ xô bán hàng cho thương lái. Trường hợp này không ít lần xảy ra, sau đó sầu riêng rớt giá thê thảm vì có lô hàng xuất khẩu bị trả về do trái cây không đạt chất lượng”.
 

Theo Báo Đồng Nai
.