Kể từ tháng 7/2015, vào mỗi kỳ đầu tháng, Báo Người Tiêu Dùng sẽ chọn lọc những phát biểu nổi bật, cam kết mạnh mẽ của các Bộ trưởng về vấn đề dân sinh, sự kiện liên quan mật thiết tới quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

 

Chuyên mục có thể giúp bạn đọc thêm góc nhìn đầy đủ hơn về vai trò của các vị tư lệnh ngành trong giai đoạn kết thúc kế hoạch 5 năm (2011-2015).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh

“Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta 6 tháng đầu năm nay tăng thấp nhưng không đáng lo ngại, vì sản xuất vẫn tăng. Theo Tổng cục Thống kê, GDP nửa đầu năm nay đạt mức 6,28%, đây là mức tăng cao trong 10 năm trở lại đây. Năm 2015 hết sức quan trọng. Đây là năm kết thúc Kế hoạch 5 năm 2011-2015”.

Đó là phát biểu lạc quan mới đây của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh. Tuy nhiên, bên cạnh sự lạc quan này, người tiêu dùng cả nước vẫn hiểu rõ nền kinh tế trong nước còn đang đối mặt nhiều thách thức: Nông nghiệp đang giảm mạnh, năm 2014  đóng góp vào tăng trưởng GDP 3,4%; còn 6 tháng đầu năm nay nông nghiệp chỉ đóng góp tăng trưởng được 2,17%. Hạn hán ở miền Trung làm cho bà con không sản xuất được, thủy hải sản không xuất khẩu được, dịch bệnh xảy ra nhiều. Tiếp đến là xuất nhập khẩu, ba năm liên tục vừa qua Việt Nam đều xuất siêu; Ngoài ra, mọi người cũng mong mỏi Nhà nước cần ban hành các chính sách quyết liệt đấu tranh với buôn lậu hàng giả, hàng nhái để thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm đảm bảo quyền lợi thiết thực của hàng triệu người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

“Ở thời điểm đại biểu và người dân thấy giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng là giá dầu thô giảm, chứ không phải giá xăng dầu thành phẩm giảm. Còn khi điều chỉnh giá thì tại thời điểm đó là giá xăng dầu thành phẩm thế giới vẫn tăng".

Theo quy định của Nghị định 83, giá sản phẩm xăng dầu thế giới trong vòng 15 ngày nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tăng hay giảm thì đến ngày thứ 16, Bộ Công Thương sẽ phải điều chỉnh tăng giảm cho phù hợp. Việc tăng giá xăng thêm 275 đồng/lít từ 19/6 đã và đang tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Cụ thể, giá xăng đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào sản xuất các mặt hàng của các doanh nghiệp. Mỗi lần giá xăng tăng, doanh nghiệp lại phải cân nhắc liệu có nên tăng giá bán các mặt hàng trong bối cảnh cạnh tranh. Khi giá mới được lập có khi giá xăng lại giảm buộc doanh nghiệp lại phải tính chi phí lại từ đầu. Ngoài ra, sau khi giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, giá xăng phải giảm đi nhưng do tăng thuế môi trường nên giá xăng không thể giảm được. Câu chuyện tăng giá xăng dầu dường như đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam.

Đó cũng chính là một trong những nỗi lo lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

“Sự tận tâm của bác sĩ và nhân viên y tế trong phong cách, thái độ phục vụ người bệnh là thước đo những giá trị về y đức mà ngành y tế đang hướng đến”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về cải cách thủ tục hành chính trong việc nâng cao trách nhiệm khám chữa bệnh cho người tiêu dùng cả nước.

Theo đó, những chương trình thiết thực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành y tế trong cả nước.

Được biết, Bộ này cũng đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như tiến hành hàng loạt các biện pháp đổi mới: Đổi mới về mặt quan điểm, nhận thức lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý; đổi mới về cách làm và đổi mới về phong cách, thái độ phục vụ.

Người dân đang lắng nghe và chờ đợi tư lệnh ngành y tế thực hiện cam kết về cải cách mạnh mẽ trong ngành này. Hy vọng những cải cách này thực sự đạt được hiệu quả, hướng đến quyền lợi thực sự của người dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

“Mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức hợp lý, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được duy trì tốt. Trong 6 tháng cuối năm, ngành ngân hàng phấn đấu ổn định lãi suất huy động, giảm các mức lãi suất cho vay, đặc biệt phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 1,0-1,5%/năm.”

Khẳng định lãi suất huy động giảm 0,2-0,5%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 6 tháng; lãi suất cho vay của các TCTD giảm 0,2-0,3%/năm, trong đó lãi suất cho vay trung và dài hạn đã giảm khoảng 0,3%/năm của vị Tư lệnh ngành ngân hàng là thông tin vui không chỉ cho các doanh nghiệp đang cần vay vốn trong giai đoạn tăng tốc vào nửa cuối năm 2015, mà hơn hết, cam kết này còn ảnh hưởng tích cực trực tiếp đến người tiêu dùng. Việc lãi suất cho vay giảm sẽ giúp kích cầu sản xuất, giúp đảm bảo nguồn hàng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, do đó người tiêu dùng chắc chắn được hưởng lợi. Tín hiệu lãi suất giảm cũng giúp cho vay tiêu dùng và các ngành kinh doanh đầu tư như chứng khoán, bất động sản được đà tăng trưởng. Người tiêu dùng đang thực sự mong muốn lãi suất ngân hàng tiếp tục ổn định và tin vào cam kết của tư lệnh ngành ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

“Hiện nay chính sách phát triển nhà ở xã hội của chúng ta đang bắt đầu thực hiện. Làm nhà ở xã hội rất khó bởi lẽ không phải chúng ta có tiền để làm mà đây là tiền của xã hội. Làm nhà ở xã hội vừa phải đáp ứng chất lượng, vừa đáp ứng khả năng thanh toán của người nghèo nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng Nhà nước lại đang khó khăn về tài chính. Mặc dù hiện tại, nhà ở xã hội còn ít nhưng đã bắt đầu và sẽ được cải thiện khi Nhà nước, xã hội và người dân cùng vào cuộc”.

Theo Luật Nhà ở năm 2005, tại Mục 4 Chương 3 về phát triển nhà ở, trong đó quy định về phát triển nhà ở xã hội. Như vậy, tính từ thời điểm Luật ra đời đến nay đã 10 năm nhưng hiện vẫn còn quá ít dự án nhà ở xã hội được triển khai. Điều này khiến cho rất nhiều công nhân, người thu nhập thấp vẫn không có nhà để ở. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng từng phát biểu: “Hiện tại, nhà ở xã hội còn ít nhưng đã bắt đầu”. Câu này được những người có tâm huyết với thị trường bất động sản cho là mới chỉ đúng 50%, vì giới chuyên gia cho rằng, nhà ở xã hội nước ta còn ít là quá đúng nhưng đã bắt đầu thì chưa hẳn.

Vì vậy, với mục tiêu giúp người thu nhập thấp - những người tiêu dùng ở phân khúc thấp nhất xã hội - có nhà ở, Bộ Xây dựng cần phải sớm đưa ra những chính sách rõ ràng, chương trình cụ thể, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nhiều dự án Nhà ở xã hội phục vụ nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng

“Toàn bộ giá cả đều được Nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính quản lý, quy định khung giá dịch vụ hàng không và phi hàng không. Do đó, nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc chẳng hạn, sau một thời gian nhất định phải chuyển trả lại Nhà nước. Giá cả phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính chứ không được quyền nâng giá”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với vấn đề chuyển nhượng sân bay Phú Quốc khi người tiêu dùng lo ngại liệu sau khi chuyển giao thì tư nhân có tự ý tăng giá dịch vụ đối với các hãng hàng không hay không ? Để rồi các hãng lại quay ra tăng giá vé đối với hành khách.

Bộ trưởng khẳng định, nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc, nhưng sau một thời gian nhất định phải chuyển trả lại Nhà nước. Ngoài ra, giá cả phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính chứ không được quyền nâng giá.

Tóm lại, việc chuyển nhượng này sẽ không dẫn đến độc quyền, không dẫn đến khả năng một nhà đầu tư có quyền chi phối nhằm nâng giá cả dịch vụ hàng không cũng như phi hàng không tại đây.

Rõ ràng, câu chuyện quyền lợi người tiêu dùng đang được Bộ trưởng Đinh La Thăng đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

“Việc thu phí và lệ phí nếu không hợp lòng dân thì phải bỏ”.

Đề cập cụ thể đến việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính bãi bỏ 31 loại phí, lệ phí liên quan đến thú y, Bộ trưởng cho rằng, bãi bỏ các loại phí trên sẽ làm giảm nguồn thu của hệ thống thú y. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là cách tiếp cận vấn đề: Thu như vậy có hợp lý, có hợp lòng dân hay không, nghĩa là người tiêu dùng cả nước có đồng thuận hay không và nếu không hợp thì phải bỏ.

Bộ trưởng cũng cho hay thời gian tới sẽ đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gặp nhau để bàn bạc, làm rõ cụ thể hơn trong việc xây dựng những văn bản pháp quy về phí mang tính lâu dài.

Trước đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ vừa có văn bản gửi các ban ngành liên quan đề nghị bỏ ngay các loại phí và lệ phí thú y để cứu ngành chăn nuôi trong nước trước nguy cơ phá sản. Dường như ngành thú y đang thu phí vô tội vạ lên từng con gà, quả trứng, và chính người tiêu dùng đang là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
 

Theo Người tiêu dùng

.