Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra những nguyên nhân chủ yếu khiến nông sản được mùa mất giá, trong đó cụ thể là dưa hấu và hành tím. Đồng thời, Bộ trưởng cũng coi việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn.

 

 

Còn "Hành tím Sóc Trăng rớt giá là do 70% hành xuất sang Indonesia và từ cuối năm 2014 Indonesia có chủ trương không nhập hành nữa nên mới xảy ra tình trạng ứ đọng", Bộ trưởng nói.

 

Về nguyên nhân dài hạn, Bộ trưởng cho biết khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản và khả năng chế biến còn thấp, quá trình tổ chức sản xuất thiếu đi sự liên kết chặt chẽ và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản còn ít.

 

Tuy nhiên, ông thừa nhận mối lo lớn nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân và khó khăn lớn nhất cũng là khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp đó là thúc đẩy công nghiệp chế biến cho tương xứng.

 

“Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chất lượng nhưng ngành chế biến thì chưa theo kịp. Muốn thúc đẩy chế biến nông sản phải có vai trò của doanh nghiệp. Vừa qua, cùng với chính sách hỗ trợ nông dân trực tiếp, Thủ tướng đã chỉ đạo hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hiện đã có những doanh nghiệp lớn quan tâm đến nông nghiệp như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, TH Truemilk…”, Bộ trưởng cho biết.

 

Nhằm khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, giúp nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra giải pháp như theo dõi sát sao sự thay đổi trên thị trường, lựa chọn mặt hàng nông sản phù hợp mang đến chất lượng cao hơn, điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với thị trường.

 

Trả lời về những giải pháp của ngành trong việc ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ hiện chúng ta đang thực hiện theo cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với thị trường. Ngành nông nghiệp đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên việc định hướng sản xuất cũng phải phù hợp với thế giới.

 

Theo Bộ trưởng, phải lựa chọn những sản phẩm là lợi thế của đất nước, có sự hỗ trợ bà con làm ra sản phẩm với chất lượng cao, giá thành hạ, để trong mọi tình huống vẫn có khả năng bán ra nhiều sản phẩm hơn với giá trị lớn hơn. Để làm được điều đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao sức cạnh tranh nông sản, thực hiện các giải pháp có thể giảm thiểu những tổn thất như hỗ trợ nông dân vay vốn vượt qua khó khăn.

 

Bộ trưởng nhấn mạnh ngoài giúp nâng cao khả năng chất lượng cạnh tranh cần tập trung vào bảo quản và chế biến, giúp ổn định thị trường, đề ra những giải pháp để thúc đẩy liên kết “4 nhà” phát triển trong thời gian tới. Ông cho biết chủ trương liên kết 4 nhà đã được thực hiện từ 10 năm nay, nhưng còn lỏng lẻo.

 

Bộ trưởng cho biết trong năm 2014, đã có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện 72.000 ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên chỉ có 45.000 ha thành công, còn lại là bỏ cuộc giữa chừng.

 

Theo ông, việc thực hiện mối liên kết 4 nhà chưa thành công một phần rất quan trọng là do số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít. Những doanh nghiệp thực sự muốn liên kết, có năng lực tài chính, cơ sở chế biến, có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. Nhấn mạnh về tình trạng nông dân sản xuất tự phát, theo phong trào, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung rà soát quy hoạch để hướng dẫn nông dân sản xuất, cây trồng vật nuôi có khả năng cạnh tranh, có thị trường, có khả năng tiêu thụ tốt hơn. Mặt khác, hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, về vốn để có thể sản xuất ra những sản phẩm năng xuất cao hơn, giá thành hạ hơn. Đồng thời phát triển mạnh hơn 2 thành phần trong chuỗi giá trị là các tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng chỉ khi phát triển theo chuỗi với sự gắn kết thì sự tự phát của nông dân có thể hạn chế, hiệu quả sản xuất sẽ ổn định hơn.

 

Theo Người tiêu dùng

.