(BVPL) – Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các tỉnh thành giám sát chặt chẽ đăng ký giá, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá tùy tiện.

 
 
Đơn cử, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội ông Đỗ Quốc Bình đã nhận định, giá cước taxi sẽ sớm tăng thêm từ 600 - 1.000 đồng/km. 
 
Theo lý giải của ông Bình, trước khi có giá cước mới, các hãng taxi sẽ phải trợ cấp trực tiếp cho lái xe vì theo tính toán, giá xăng tăng sẽ khiến mỗi lái xe mất thêm từ 900 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng tiền xăng/tháng. Đây là khoản tiền lớn so với thu nhập của tài xế. Doanh nghiệp sẽ thực hiện trợ cấp bằng tiền mặt hoặc tăng phần trăm lợi nhuận mỗi đầu xe lên.
 
Tại buổi họp báo thường kì tháng 3 của Bộ Công thương ngày 1/4, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng và đẩy giá nhiều mặt hàng trong nước tăng theo. Tuy nhiên, vì CPI hai tháng đầu năm đều thấp, trong khi đó tháng 3 âm, nên việc tăng giá xăng dầu lần này sẽ khiến cho mức độ cộng hưởng không cao.
 
Ngày 1/4, Bộ Tài chính chính thức có công văn yêu cầu các tỉnh thành trong cả nước siết chặt việc giám sát kê khai, đăng kí giá của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá dây chuyền, tăng giá không phù hợp với tỷ lệ tác động của giá xăng dầu vào giá thành sản phẩm hàng hoá.
 
Công văn nhấn mạnh vào việc đề nghị các tỉnh thành theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa,  gas, cước vận tải…
 
Đồng thời khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều nhiên liệu từ xăng dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến giá bán sản phẩm. 
 
“Đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas…; xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu và các trường hợp vi phạm quy định hiện hành về quản lý giá, quản lý thị trường khác theo quy định tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và quy định của pháp luật có liên quan”, công văn yêu cầu.
 
Bộ Tài chính cũng đồng thời yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện chế độ báo cáo giá cả thị trường định kỳ và đột xuất theo quy định.
 
Theo VTC News