Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) dần trở thành thương hiệu uy tín của TP.HCM khi ngày có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia. Tham gia BOTT, uy tín của doanh nghiệp được nâng cao, hàng hóa được nhiều người tiêu dùng biết đến, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, nhờ chương trình này sẽ không gặp phải những khó khăn khi tình hình kinh tế biến động.

 


Hơn 8.500 điểm bán hàng bình ổn giá

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhằm tiếp tục đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời triển khai Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020, vừa qua, Sở Công thương TP.HCM đã có Công văn số 4502/SCT - QLTM về việc treo băng rôn “Tự hào hàng Việt Nam”.

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Công thương triển khai gắn biển “Tự hào hàng Việt Nam” tại hơn 8.500 điểm bán hàng bình ổn giá (với trên 90% là hàng Việt) trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các Ban Quản lý các chợ truyền thống, doanh nghiệp chủ quản hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức thực hiện việc treo băng rôn với nội dung nêu trên.

Theo đánh giá của Hội chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA), trong năm 2014 với sự hỗ trợ của 4 nhóm ngân hàng cùng 76 doanh nghiệp TP.HCM tham gia, có thể nói chương trình BOTT do TP.HCM triển khai rất thành công. Đặc biệt, sau thời gian triển khai, không chỉ các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong nước mà một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như BigC, Metro, Lotte Mark… cũng đăng ký tham gia chương trình.

BOTT lương thực thực phẩm đạt hơn 3.000 tỷ đồng

Chương trình BOTT đã trở thành một thương hiệu uy tín của TP.HCM khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất sau thời gian tham gia chương trình này. Với uy tín của doanh nghiệp được nâng cao, hàng hóa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Điều này đã chứng minh qua số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình BOTT không ngừng tăng lên qua các năm.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (QLTM), Sở Công thương cho biết, vừa qua thành phố đã có gần 130 doanh nghiệp trong nước bắt đầu chương trình bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư vùng sâu, vùng xa phục vụ người tiêu dùng hơn 300 mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường.

Đây cũng là điểm nhấn của chương trình BOTT do Sở Công thương tổ chức và là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới xã hội và cộng đồng, một nét đẹp trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố.

Ông Phương cũng chia sẻ, chương trình BOTT năm qua có những diễn biến rất khả quan với 8.500 điểm bán hàng bình ổn, trong đó chương trình BOTT các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đã đạt doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng với hơn 3.500 điểm bán.

Được biết, chương trình bình ổn lương thực thực phẩm có lượng cung ứng hàng hóa ra thị trường hiện nay hàng tháng chiếm từ 25-30% nhu cầu thị trường, cá biệt nhóm hàng sữa và thực phẩm với lượng hàng hóa do các doanh nghiệp cung ứng ra thị trường đã chiếm đến 50% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.

Giữ vững thị trường ổn định

Theo vị lãnh đạo Phòng QLTM, mục đích của chương trình BOTT là giữ thị trường ổn định. Vì thị trường ổn định, các doanh nghiệp mới dễ dàng hoạch định những kế hoạch sản xuất, phân phối hàng hóa và đưa ra chính sách bán buôn. Quan trọng hơn là đối với người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, nhờ chương trình này sẽ không gặp phải những khó khăn khi tình hình kinh tế biến động.

Do đó, phương pháp làm hiện nay của Sở Công thương là bằng nhiều cách có được những nguồn hàng đầy đủ, dồi dào nhất, tốt nhất, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có biến động, đáp ứng kịp thời cho việc hỗ trợ các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Trao đổi với một số doanh nghiệp và cơ quan chức năng, PV Báo ĐS&TD được biết, do chương trình BOTT thực hiện theo hướng xã hội hóa, nên 2 năm gần đây, Nhà nước đã không chi ngân sách để thực hiện mà đưa ra chương trình “kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng” để thực hiện chương trình này.

Đại diện Sở Công thương cũng cho biết, chương trình nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều ngân hàng tại TP.HCM với lượng vốn cho vay lên đến 8.300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được vay vốn ngắn hạn để chuẩn bị nguồn hàng với lãi suất từ 5-6%/ năm. Vốn vay trung và dài hạn để đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ với lãi suất từ 7-8%/năm.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương phân tích, qua các chương trình liên kết, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích. Thứ nhất, được vay vốn với lãi suất thấp và nguồn vốn nhiều hơn. Thứ hai, có những đơn vị doanh nghiệp làm ăn bài bản đã được ngân hàng cho vay số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ngân hàng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi vay vốn

Nhìn chung, trải qua thời gian triển khai chương trình BOTT, theo các doanh nghiệp, họ không gặp khó khăn gì trong việc chuẩn bị nguồn hàng và điều chỉnh giá cả. Tuy nhiên, cái khó của những doanh nghiệp nhỏ tham gia chương trình là việc giải ngân nguồn vốn vay. Vướng mắc của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là ở phương thức hỗ trợ vốn vay của các ngân hàng và về lĩnh vực tài sản thế chấp.

Theo đa số doanh nghiệp, để chương trình bình ổn thị trường có sức lan tỏa lớn hơn, các cơ quan chức năng cần tác động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khi vay vốn, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, cũng cần có sự tăng cường truyền thông cho người tiêu dùng về logo bình ổn, sản phẩm, điểm bán hàng bình ổn. Đặc biệt, cần có chiến dịch hỗ trợ quảng bá để chương trình có độ phủ đến người dân trên phạm vi cả nước.

 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.