Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) thực hiện tại Hà Tĩnh có quy mô 254.200 con/năm, tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên diện tích hơn 2.000 ha tại xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh). BIDV là ngân hàng cho vay tại dự án này. Thế nhưng, sau 3 năm triển khai, Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều sai phạm.
Tháng 11/2018, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã điều tra và đề nghị truy tố đối với các bị can: Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình Hà, Nguyễn Xuân Lương, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Tân Đại Việt về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
|
|
Khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà. Ảnh: Công an Hà Tĩnh |
Vào thời điểm Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh xử lý vụ án liên quan tới dự án nuôi bò của Công ty Bình Hà, chỉ có bị can Dũng bị bắt tạm giam, còn bị can Nguyễn Xuân Lương bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại. Các cổ đông sáng lập khác của Công ty Bình Hà như: ông Thái Thành Vinh, ông Trần Anh Quang không bị khởi tố do Cơ quan CSĐT xác định không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Quang, và do ông Vinh không có mặt tại Công ty từ năm 2015.
Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án hình sự Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), một số Chi nhánh thuộc Ngân hàng BIDV và Công ty Bình Hà.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án, ngày 26/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Công ty Bình Hà. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT đã ra các quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh và Trần Duy Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú.
Trước đó, tháng 4/2018, trả lời Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh và Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Hà Tĩnh đã có những giải trình về việc cho Công ty Bình Hà vay vốn để mua bán bò và đầu tư xây dựng triển khai dự án.
|
|
Dự án không hiệu quả khiến nhiều “ông lớn” vướng vào lao lý. |
Theo bản Kết luận điều tra (KLĐT) số 50 ngày 9/11/2018 của Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh, vào ngày 21/3/2018, cơ quan này đã có Công văn số 46 và số 47 yêu cầu Ngân hàng BIDV và Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) - Chi nhánh Hà Tĩnh xác định trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh liên quan trong việc cho Công ty Bình Hà vay để mua, bán bò và đầu tư xây dựng triển khai dự án.
Tại Công văn phúc đáp số 197 ngày 4/4/2018 của NHNN- Chi nhánh Hà Tĩnh và Công văn số 1735 ngày 5/4/2018 của Ngân hàng BIDV trả lời:
Căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định của Ngân hàng BIDV thì Chi nhánh BIDV tại Hà Tĩnh đã thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, quy định của NHNN Việt Nam và Ngân hàng BIDV về thẩm định trước khi quyết định cho vay; quá trình giải ngân vốn vay đúng quy định, đúng mục đích theo Hợp đồng (HĐ) các bên đã ký kết.
Việc thực hiện các HĐ mua bán bò là trách nhiệm của 2 bên mua bò và bán bò và nằm ngoài mong muốn cũng như tầm kiểm soát của Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh. BIDV Hà Tĩnh không cho Công ty Bình Hà vay để các cổ đông nộp vào tài khoản công ty nhằm tăng vốn đối ứng.
Căn cứ HĐ tín dụng số 01 ngày 14/7/2015 thì BIDV Hà Tĩnh thực hiện giải ngân theo quy định của BIDV cho Công ty Bình Hà vay dài hạn để thanh toán các chi phí hợp pháp, hợp lệ thuộc dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt (như: chi phí xây dựng cơ bản, chi phí GPMB…). Việc giải ngân đều được chuyển trực tiếp đến tài khoản của Nhà thầu- nhà cung cấp theo đề nghị của Công ty Bình Hà và theo dự án được phê duyệt. Tính đến hết ngày 30/9/2018, tổng dư nợ gốc dài hạn của Công ty Bình Hà tại BIDV Hà Tĩnh là 976,4 tỷ đồng. “Hiện tại, giữa Ngân hàng và Công ty Bình Hà đã thực hiện đối chiếu công nợ gốc và lãi phát sinh theo năm, đến năm 2025 là hết thời hạn trả nợ”.
BIDV Hà Tĩnh cho Công ty Bình Hà vay để thực hiện dự án; không cho các cổ đông vay để góp vốn nên nghĩa vụ thanh toán nợ cho ngân hàng là Công ty Bình Hà, không phải pháp nhân nào khác. Do vậy, đối chiếu với HĐ tín dụng; các quy định của pháp luật, NHNN thì ngân hàng BIDV khẳng định số tiền mà ông Đinh Văn Dũng đã chiếm đoạt không được xem là thiệt hại của Ngân hàng.
Liên quan tới trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà vay để thực hiện 20 HĐ sai phạm tại KLĐT, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Qua điều tra chưa phát hiện có đồng phạm và động cơ vụ lợi. Xét thấy việc kiểm soát của Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh sau khi giải ngân chưa chặt chẽ dẫn đến chậm phát hiện sự gian dối của Đinh Văn Dũng và Nguyễn Xuân Lương để chiếm đoạt tài sản, quá trình kiểm soát Ngân hàng đã có nhiều văn bản đề nghị Công ty Bình Hà khắc phục, chấn chỉnh.
Đối với việc Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà vay để thực hiện dự án theo các HĐ đã ký kết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh thấy rằng, số lượng giải ngân lớn, liên quan tới nhiều địa bàn, nhiều công trình chưa nghiệm thu, quyết toán, Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh sẽ phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ và kiến nghị xử lý sau - Bản KLĐT ngày 9/11/2018 nêu.
Tuy nhiên, khi Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc đã khởi tố và bắt tạm giam thêm nhiều đối tượng liên quan, trong đó có Trần Duy Tùng, con trai của ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV.