Bị "tấn công", người tiêu dùng phản ứng yếu ớt
Cập nhật lúc 23:57, Thứ ba, 05/04/2016 (GMT+7)
(BVPL) - Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Quyền được an toàn của người tiêu dùng, thực trạng và giải pháp” do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh và Văn phòng Jica tổ chức. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) trong thời gian qua thật sự vẫn còn quá khiêm tốn, còn NTD thì tỏ ra không mấy thiết tha khi quyền lợi của mình đã và đang bị xâm phạm trên diện rộng?
Còn một vấn đề cơ bản khiến NTD ngại tham gia bảo vệ quyền lợi cho chính mình là quy định về việc miễn tạm ứng án phí khi khởi kiện chưa có hướng dẫn thực thi cụ thể nên thủ tục phức tạp, tốn thời gian, kinh phí. Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định khi khởi kiện, NTD không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án. Nhưng trong Điều 12 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án liệt kê những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng thì trong đó không có trường hợp NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình… Những văn bản quy định trái chiều như trên đã đẩy NTD vào tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”. Vấn đề này đã được các hội và luật sư kiến nghị khá nhiều nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Thêm vào đó, còn có một nguyên nhân khác khiến cho việc thực thi luật chưa hiệu quả là NTD rất ngại khiếu kiện do tâm lý ngại va chạm, quan niệm “vô phúc đáo tụng đình” của người dân, nhất là những người sống ở các vùng nông thôn. Vì thế, khi quyền lợi của mình bị xâm phạm thì người tiêu dùng thường im lặng, không dám lên tiếng, chỉ có rất ít người dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Theo đó, công tác quảng bá, giới thiệu hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD và đưa ra những cảnh báo cho NTD cũng còn rất hạn chế. Hệ quả là NTD khi bị vi phạm lại không biết đòi quyền lợi của mình ở đâu…(!?)
Để việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải tạo tính minh bạch cho các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD. Việc chế tài, xử phạt đối với hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa tạo được sự nghiêm minh. Nên bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm… Đặc biệt, NTD cần phải thay đổi nhận thức của mình, chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, chủ động liên hệ đến các cơ quan, tổ chức để được tư vấn, hỗ trợ, xem xét bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Thúy Hà
.