Liên tiếp trong thời gian gần đây, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã phát hiện hàng loạt các mặt hàng thuốc thú y thủy sản giả, kém chất lượng, không có tên trong danh mục được phép lưu hành trên địa bàn tỉnh.

 


Ngoài những yếu tố gây bất lợi cho tôm nuôi thì người dân còn đang nghi ngờ đến chất lượng các mặt hàng thuốc thú y thủy sản, thức ăn phục vụ cho việc nuôi trồng. Ông Bùi Minh Diễn, ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, than: “Chúng tôi làm sao biết được thuốc nào là chất lượng hay không chất lượng. Chỉ thấy các tay tiếp thị mang hàng hóa của họ vào tận đầm tôm quảng cáo rầm rộ trị bệnh này, bệnh kia. Nhiều người vì tin lời đã mua về sử dụng. Dùng loại thuốc này không hết thì chuyển sang loại thuốc khác, riết rồi vô tình nông dân chúng tôi đem hầm tôm của mình ra làm nơi thử nghiệm cho các nhà SX”.

Ông Châu Công Bằng, Phó GĐ Sở NN-PTNN tỉnh Cà Mau, cho biết, trước tình trạng bát nháo các mặt hàng thuốc thú y thủy sản như hiện nay, ngành chức năng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt, ngoài ra còn truy đến tận nhà SX.

Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn nhiều khó khăn như: địa phương không quản lý được tại gốc đối với các nhà SX vì đa phần các Cty, DN đều nằm ngoài tỉnh; không có cửa khẩu kiểm soát hàng nhập khẩu; các mặt hàng đa dạng…

Tuy nhiên cái khó lớn nhất hiện nay là quy định chưa được chặt chẽ. Ông Bằng ví dụ: Đối với trường hợp lực lượng chức năng nghi ngờ mặt hàng đó là giả thì tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Thời gian chờ kết quả ít nhất phải mất 10 ngày trở lên, đến khi có kết quả mặt hàng đó là giả thì cơ sở đã bán hết lô hàng.

Khi những “ông lớn” bị “sờ gáy”

Mới đây, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã phát hiện hàng loạt các Cty, kể cả Cty rất tên tuổi, có nhiều mặt hàng giả, kém chất lượng đang được bày bán trên thị trường tỉnh Cà Mau.

Theo Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, qua đợt kiểm tra mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 20 Cty, doanh nghiệp “tung” các mặt hàng “dỏm”, hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng bán cho nông dân.

Kết quả phân tích mẫu của ngành chức năng cho thấy: Sản phẩm ENVIGREEN có công dụng là cắt tảo độc, chống viêm ruột, với thành phần sản phẩm gồm: Bacillus subtillis (109 CFU/g); Bacillus lichenniformis (109 CFU/g); Saccharomyces cereviseae (109 CFU/g) và Lactobacillus acidophilus (109 CFU/g) do Cty TNHH công nghệ sinh học Tomcare (địa chỉ D012/961 Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM sản xuất), nhưng qua kết quả phân tích cho thấy cả 3 thành phần là Bacillus spp; Lactobacillus spp và Saccharomyces spp có tỷ lệ bằng 0%.

Tương tự, với sản phẩm TF-Men2 (men vi sinh xử lý ô nhiễm đáy và nước ao nuôi) bao gồm các thành phần: Lactobacillus acidophilus (5x1011 CFU/kg); Bacillus subtilis (5x1011 CFU/kg) và Saccharomyces cereviseae (5x1011 CFU/kg) do Cty CP công nghệ sinh học Tiên Phong (địa chỉ Lô 23, đường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM sản xuất), kết quả phân tích cho thấy đối với thành phần Bacillus spp (1x106 cfu/kg) – 100%; đối với 2 thành phần còn lại là Lactobacillus spp và Saccharomyces spp đều có kết quả bằng 0%.

Sản phẩm AK7 (công dụng phân hủy mùn bã hữu cơ, chất thải, làm sạch đáy ao và nước); thành phần gồm: B. subtilis (0,1x1010 CFU/kg); B. megaterium (0,1x1010 CFU/kg); B. lichenniformis (0,1x1010 CFU/kg) và Saccharomyces (0,1x1010 CFU/kg) tá dược vừa đủ 1.000g do Cty TNHH Lamót (địa chỉ 92, đường 27 Linh Đông, thủ Đức, TP HCM sản xuất), kết quả phân tích cho thấy đối với thành phần Bacillus spp (3,7x108 cfu/kg) âm đến 98,8%; còn thành phần Saccharomyces spp thì 0%.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến những tên tuổi lớn như: Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, có địa chỉ tại khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có sản phẩm C.P BIO PLUS (chế phẩm sinh học – phân hủy mùn bã hữu cơ), thành phần sản phẩm gồm: Bacillus subtilis: >= (lớn hơn hoặc bằng) 109 cfu/kg; Bacillus lichenniformis: >= 109 cfu/kg; Bacillus megaterium: >= 109 cfu/kg. Kết quả phân tích Bacillus spp: 7,3 x 1010 cfu/kg thì tỷ lệ % dương đến 7.200.

Sản phẩm thứ 2 của Cty này là C.P.ZYMETIN (chế phẩm sinh học); thành phần sản phẩm gồm: Bacillus subtilis: >= 109 cfu/kg; Saccharomyces cerevisae: >= 109 cfu/kg và thành phần cuối cùng là Lactobacillus acidophilus: >= 109 cfu/kg. Kết quả phân tích cho thấy Bacillus spp: 1,9 x 1010 cfu/kg, tỷ lệ % cho ra dương đến 1.800; Lactobacillus spp: 2 x 108 cfu/kg, tỷ lệ % là âm 99,8 và Saccharomyces spp: 3,1 x 109 cfu/kg, tỷ lệ % lại âm 96,9%.

Hay sản phẩm TA-GOLD (phân hủy mùn bã hữu cơ, cung cấp nhiều loại vi sinh vật có lợi, nhiều loại men hữu ích cho môi trường) do Cty TNHH & TM Trúc Anh (địa chỉ: Công Điền, Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu sản xuất) có thành phần sản phẩm gồm: Bacillus mensentrericus: 9 x 103 cfu/kg; Bacillus subtilis: 10 x 108 cfu/kg; Bacillus lichenniformis: 7 x 108 cfu/kg; Lactobacillus acidophilus: 9,8 x 108 cfu/kg và Saccharomyces cerevisae: 9 x 107 cfu/kg. Kết quả phân tích cho ra: Bacillus spp: 6 x 107 cfu/kg có tỷ lệ % âm đến 99,8%; Lactobacillus spp tỷ lệ 0% và Saccharomyces spp: 7,9 x 106 cfu/kg có tỷ lệ là âm 99,1%…

Ông Phan Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: “Ngay sau khi phát hiện các sản phẩm của 20 Cty có sản phẩm vi phạm với chứng cứ đầy đủ chúng tôi tiến hành mời đại diện đến làm việc nhưng có Cty đến, có Cty không đến. Nên đến nay chưa xử lý dứt điểm đối với các nhà sản xuất”. Theo lời ông Tài, thì người bán cũng là nạn nhân như người mua bởi họ cũng không hề biết về các thông số sản phẩm đưa như thế nào, nhà sản xuất bảo sao nghe vậy.

Tuy nhiên, điều đáng nói là khi bị phát hiện sản phẩm của Cty mình sai phạm, các Cty, doanh nghiệp, thậm chí là đại lý của Cty đó cố tìm mọi cách để biện minh. Ông Lê Anh Xuân, GĐ Cty TNHH SX&TM Trúc Anh, cho rằng sản phẩm của Cty mình tuy có sai so với quy định (dư hàm lượng so với công bố) nhưng cái dư này là có lợi cho người tiêu dùng. “Trên nguyên tắc SX thì phải để dư hàm lượng nhằm mục đích bảo quản thuốc tốt hơn”, ông Xuân nói.
 

Theo Hoàng Hạnh
NNVN

.