(BVPL) - Gian lận xăng dầu là một chủ đề nóng nhưng vẫn chưa xử lý triệt để, một trong những nguyên nhân  chính là việc quản lý hệ thống các đại lý hiện còn nhiều bất cập.

 

 
Đại lý "bắt cá" nhiều tay
 
Theo Thông tư 36/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một thương nhân đầu mối và tương tự thương nhân là đại lý cũng chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một thương nhân đầu mối hoặc cho một thương nhân là tổng đại lý. 
 
Nhưng trên thực tế, nhiều đại lý vẫn âm thầm "lách luật" lập ra vài công ty và một lúc làm đại lý hoặc tổng đại lý để lấy xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau vì vậy việc quản lý chất lượng xăng dầu tại những doanh nghiệp này còn nhiều bất cập.
 
Cụ thể theo bà Trần Thị Nho, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Tây Nam Bộ, trên địa bàn tỉnh Cần Thơ doanh nghiệp này có khoảng 70 cửa hàng trực thuộc, chiếm khoảng 30% thị phần và 6 đại lý đang ký hợp đồng mua hàng của công ty.
 
Tuy nhiên, theo bà Nho nhiều đại lý đang "bắt cá" nhiều tay, một lúc có thể mua từ 9-10 nguồn khác nhau nhưng không thể làm gì được. "Các đại lý gần như phớt lờ các quy định của Nghị định 84, biết là vi phạm nhưng doanh nghiệp đầu mối chỉ có thể báo tới cơ quan quản lý thị trường để biết," bà Nho cho hay.
 
Một nguyên nhân nữa cũng khiến chất lượng xăng dầu tại các đại lý rất khó thực hiện, đó là việc song song lưu hành xăng A83 với các loại xăng khác như RON92 và RON95 nhưng giá bán của xăng A83 lại thấp hơn từ 500-700 đồng/lít.
 
Ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc PVOil cho biết, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở các tỉnh phía Nam vẫn khá mạnh, nhưng do chênh lệch giá nên nhiều doanh nghiệp có thể đem trộn lẫn thành xăng RON92 hoặc RON95 để kiếm lời.
 
Chính điều này khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu tại các đại lý rất khó khăn, riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong quý I/2013 do tình hình kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, số vụ vi phạm về chất lượng xăng dầu chủ yếu là tại các doanh nghiệp tư nhân cũng có xu hướng tăng lên.
 
Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, qua kiểm tra 21 cơ sở đã phát hiện 15 cơ sở vi phạm về kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng theo quy định, không lưu hồ sơ công bố chất lượng, ghi nhãn hàng hóa sai quy định...
 
Không được buông lỏng 
 
Hiện nay cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó các cửa hàng trong hệ thống của 13 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu chỉ là trên 3.000 (chiếm 25%-30%), số còn lại là các cửa hàng đại lý, tổng đại lý chiếm khoảng 70%.
 
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, để tăng cường quản lý chất lượng xăng dầu tại hệ thống đại lý, tổng đại lý thì việc thực hiện các quy định của Nghị định 84/NĐ-CP cần được giám sát một cách chặt chẽ.
 
Điều 17 của Nghị định 84/CP quy định, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối; đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ cho một tổng đại lý, hoặc một thương nhân đầu mối; cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối chịu sự kiểm soát của thương nhân đó, chỉ được mua bán xăng dầu với thương nhân trong hệ thống phân phối của mình.
 
Trường hợp phát hiện tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi lấy hàng từ nhiều nguồn khác nhau sẽ bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng. Còn doanh nghiệp đầu mối bán xăng dầu cho các đại lý ngoài hệ thống phân phối của mình cũng bị xử phạt 30-40 triệu đồng.
 
Từ thực tế trên địa bàn tỉnh Cần Thơ, bà Nho kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra hợp đồng của các đại lý bán lẻ xăng dầu, đồng thời mạnh tay xử phạt những đại lý không chấp hành các quy định của pháp luật khi cam kết mua và tiêu thụ xăng dầu của một đầu mối nhất định.
 
Trong một cuộc họp mới đây bàn về chất lượng xăng dầu, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, nhiều trường hợp sai phạm xảy ra tại các đại lý là do doanh nghiệp đầu mối chưa làm hoặc chưa thực hiện hết quyền của mình với đại lý. 
 
Bên cạnh đó, người đứng đầu Vụ thị trường trong nước cũng chỉ ra những tồn tại trong cơ chế điều hành của Nghị định 84 hiện nay là nếu vận hành thị trường xăng dầu một cách thông suốt theo cơ chế thị trường và các yếu tố thị trường được phản ánh đầy đủ thì có điều kiện để giảm gian lận. 
 
Do đó, theo ông Quyền, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét vấn đề điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường, bù lỗ, tăng chi phí, chính sách hoa hồng cho đại lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu./.
 
Theo Đức Duy
(Vietnam+)
.