Việc liệu người tiêu dùng có được mua ô tô với giá rẻ hơn từ năm 2018 hay không, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, điều này phụ thuộc vào chính sách của các bộ ngành căn cứ theo các bộ luật, luật pháp sẽ được xây dựng.

 


Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm 2018, tức chỉ 3 năm nữa, thuế suất dành cho ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực sẽ giảm xuống còn 0%. Như vậy, về lý thuyết, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội mua ô tô giá rẻ hơn so với hiện tại.

Trao đổi với đại diện Bộ Công Thương – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, PV Dân trí đặt câu hỏi: “Liệu có thật là từ năm 2018, người tiêu dùng sẽ được trao cơ hội mua ô tô giá rẻ không, hay là lại giống như quả bóng co chỗ này phình chỗ kia, cùng với việc giảm thuế thì lại xuất hiện thêm những khoản phí mới bù vào?”.

Đáp lại, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh không trả lời thẳng mà cho biết, việc điều hành sẽ được thực hiện theo nguyên tắc thị trường và được quy định rõ trong luật: “về thuế có Luật thuế, sắp tới phí và lệ phí cũng sẽ được đưa vào Luật Phí và lệ phí”.

Do vậy, theo ông, “không có điều kiện để chúng ta có thể tiếp tục quản lý bằng các biện pháp hành chính mà phải luật hóa và thực hiện theo quy định của nhà nước”. Và ông “tin rằng người dân sẽ có điều kiện để tiếp cận với các chính sách một cách rõ ràng và cụ thể hơn”.

“Việc có rẻ hơn hay không thì còn phụ thuộc vào chính sách của các bộ ngành căn cứ theo các bộ luật, luật pháp sẽ được xây dựng, tôi không đủ thẩm quyền để nói về vấn đề này” – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Sản xuất hay đi buôn: Tùy doanh nghiệp!

Cũng tại buổi trao đổi này, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2014 đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng: tiến tới xây dựng nền tảng của một ngành công nghiệp ô tô theo hướng đảm bảo các yêu cầu về nội địa hóa, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của người tiêu dùng, của thị trường và phù hợp với những cam kết trong hội nhập quốc tế.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với Bộ Tài Chính và các bộ ngành có liên quan, các doanh nghiệp, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) để tiếp tục xây dựng những chính sách, những cơ chế cụ thể nhằm triển khai Quy hoạch và Chiến lược này trong thời gian tới.

Cụ thể sẽ có những quy định cụ thể liên quan đến thuế suất nhập khẩu, các ưu đãi hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ cũng như các nhà sản xuất trong ngành sản xuất trong ngành.

Quan điểm của Bộ Công Thương là chính sách phải dựa trên những nghiên cứu đầy đủ về phản ứng, diễn biến của thị trường cũng như xu thế của thị trường, có gắn kết chặt chẽ giữa các ngành công nghiệp sản xuất với hoạt động thương mại của thị trường.

Nói về sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn sau gần 1 năm Quy hoạch, Chiến lược được ban hành, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích, do tiến trình này đòi hỏi phải có một sự phối hợp cẩn trọng để trao đổi và lấy ý kiến các bộ ngành. Đồng thời, đây là vấn đề không chỉ liên quan đến chính sách quốc gia về công nghiệp ô tô mà còn liên quan đến những khung khổ lớn của đất nước trong quá trình hội nhập. Vì vậy, việc xây dựng các khung khổ pháp lý trong đó có những văn bản, cơ chế rất cụ thể đòi hỏi một quy trình làm việc đồng bộ với sự tham gia của các bộ ngành và các bên liên quan.

Ông cũng thừa nhận rằng, với một nền công nghiệp ô tô còn sơ khai, Việt Nam cần phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong đó, có giai đoạn hướng tới gia công nhằm có điều kiện tiếp cận với trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý, trình độ nhân lực, qua đó tiếp tục có điều kiện mở rộng đầu tư, phát triển, nâng dần tỉ lệ nội địa hóa và từng bước làm chủ về công nghệ.

Liên quan đến tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất ô tô tỏ ra chán nản, dùng nhà máy nuôi gia súc, các doanh nghiệp liên doanh thì tuyên bố bỏ sản xuất để đi buôn, Thứ trưởng Công Thương cho biết, Bộ tôn trọng quan điểm của các doanh nghiệp, bởi mỗi doanh nghiệp có tư duy, chiến lược kinh doanh riêng của mình dựa trên hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế.

Ông cũng khẳng định, Quy hoạch, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục và các cơ quan ban ngành sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ về công tác thị trường cũng như quan điểm tiếp cận từ nhiều hướng để có được chính sách phù hợp và hài hòa.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ: “Trước thực tế đó tất cả chúng ta ai cũng buồn, song vấn đề là phải nhìn theo hướng tích cực và không nên quá ủy mị. Mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược riêng và trong khung khổ chính sách chung thì việc khai thác cơ hội tùy vào sự chủ động và cách tiếp cận của doanh nghiệp. Về phía Nhà nước, nếu thực tiễn còn tồn tại những vấn đề chưa phù hợp thì phải hoàn thiện chính sách, đó là quy luật và yêu cầu của cuộc sống”.
 

Theo Dân trí

.