Ban chỉ đạo 389 yêu cầu xem xét trách nhiệm của đơn vị để xảy ra buôn lậu kéo dài
Cập nhật lúc 06:32, Thứ tư, 19/06/2019 (GMT+7)
Liên quan tới vụ vi phạm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, mới đây Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) vừa có văn bản gửi Ban chỉ đạo các tỉnh thành phố cùng nhiều đơn vị khác yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu.
Cụ thể, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 QG- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố cùng nhiều đơn vị khác yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu.
|
|
Vụ vi phạm kéo dài xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Ảnh: TTXVN |
Trong văn bản nêu rõ, hiện nay, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến địa bàn, tuy nhiên việc phát hiện và xử lý các sai phạm còn ít, có những vụ việc để xảy ra các sai phạm kéo dài trên địa bàn (vụ vi phạm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường).
Nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố; các lực lượng chức năng: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thị trường nội địa; không để xảy ra tình trạng các vi phạm kéo dài, thành các đường dây, tụ điểm, nơi tập kết hàng lậu, hàng giả, gian lận nhãn mác Việt Nam trong nội địa. Thực hiện phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan (nếu có) trong trường hợp để xảy ra vi phạm.
PV