Dự án triển khai kiểu tốc độ “rùa”

Theo tìm hiểu thông tin được biết, ngày 25/1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 324/QĐ-UBND v/v chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn (gọi tắt là Công ty Hoàng Sơn). 

Theo đó, mục tiêu để đầu tư dự án và cung cấp điện năng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính về bảo vệ môi trường…

leftcenterrightdel
Mô phỏng dự án Năng lượng điện mặt trời. 

Theo Quyết định đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, tổng diện tích đất dự án để thu hồi là 1.500.000m2, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2.681 tỷ đồng, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, dự kiến công trình được khởi công quý I/2017 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa được triển khai bất kỳ hạng mục nào mà mới chỉ được huyện Ngọc Lặc kiểm kê, lên phương án bồi thường, GPMB. 

Ông Bùi Văn Hữu, người dân thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc) cho biết: “Từ khi người dân được chính quyền thông báo và công bố thời gian sắp tới phải di dời nhà cửa, hoa màu để nhượng cho nhà máy điện năng lượng nghìn tỷ, chúng tôi hết sức bất ngờ, vừa mừng vừa lo. Mừng vì xã nghèo có nhà máy “khủng”, lo lắng vì mất đất, mất nhà mà chúng tôi cho đến đời con, cháu vẫn chưa biết sẽ phải bám vào đâu để mà mưu sinh?”

Chị Phạm Thị Lý cũng là người dân địa phương thì lo lắng: “Hiện toàn bộ đất đai, nhà cửa, hoa màu của chúng tôi đã được chính quyền kiểm đếm, lên phương án đền bù, mới đầu cho thấy việc áp giá đền bù rất rẻ… Hộ nhà tôi thuộc diện phải di dời, nhưng không được bố trí đất tái định cư, ngược lại được mua đất đấu giá với giá khá cao so với tiền được đền bù. Mức như thế gia đình tôi không đủ để ổn định cuộc sống”. 

Theo đó, tổng số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án trên là trên 500 hộ. Các hộ cảm thấy lo lắng vì mất phần diện tích đất hoa màu cho dự án. 

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Theo chủ trương của UBND tỉnh, huyện đã lập Hội đồng bồi thường GPMB thực hiện dự án tại Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 của UBND huyện Ngọc Lặc. Tuy nhiên, dự án triển khai rất chậm nên huyện cũng chỉ mới ban đầu kiểm kê, lên phương án đền bù chứ chưa đền bù cho hộ nào.

Doanh nghiệp “gầy” khoác áo quá rộng

Từ những băn khoăn, lo lắng của người dân, PV tiếp tục tìm đến các cơ quan chức năng và Chủ đầu tư là Công ty Hoàng Sơn để nắm rõ hơn quá trình thực hiện dự án. Theo tìm hiểu của PV, Công ty Hoàng Sơn có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại P. Đông Vệ (TP. Thanh Hóa), doanh nghiệp mới thành lập năm 2013, theo đăng ký vốn tại quyết định được phê duyệt của UBND tỉnh thì Công ty này có vốn chủ sở hữu là 403 tỷ đồng (chiếm 15% vốn) trong tổng vốn đầu tư dự án là 2.681 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng cổ phần đầu tư và phát triển (BIDV) Chi nhánh Lam Sơn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa là 2.278 tỷ đồng (chiếm 85%). Nguồn vốn này được Chủ đầu tư vay và được bảo lãnh.

PV tiếp tục tìm hiểu thông tin và liên hệ làm việc với cơ quan tham mưu cho lãnh đạo tỉnh là Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thanh Hóa. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Dựa trên các văn bản, tờ trình đăng ký của doanh nghiệp, Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã trình UBND tỉnh Thanh Hóa để có căn cứ ra các quyết định liên quan”. 

Theo đó, để xác nhận năng lực tài chính của doanh nghiệp, các PV đã làm việc với Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa về việc cơ quan này đã dựa trên giấy chứng thư bảo lãnh của BIDV chi nhánh Lam Sơn số 166/BIDV-LSOKH (ngày 9/10/2016) do ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Lam Sơn, TP. Thanh Hóa đã ký bảo lãnh cho doanh nghiệp vay số tiền 2.277 nghìn tỷ đồng (ông Hoàng đã bị cho nghỉ việc từ đầu năm 2018). 

Trong khi đó, một lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần BIDV - Chi nhánh Lam Sơn (Thanh Hóa) lại xác nhận: Không có việc BIDV - Chi nhánh Lam Sơn xác nhận chứng thư bảo lãnh cho Công ty CP đầu tư và Du lịch Hoàng Sơn. “Tôi biết chắc chắn hiện địa phương chúng tôi chưa tham gia vụ này. Bởi nếu có thì anh em trong ban giám đốc phải bàn bạc chứ, có phải chỉ vay 1-2 tỷ đồng đâu”, vị lãnh đạo này nói. 

Vị lãnh đạo ngân hàng này xác nhận thêm: nếu vay tầm đấy (hơn 2.200 tỷ đồng) thì Hội đồng tín dụng cơ sở phải họp đi họp lại mấy chục lần, không phải tự nhiên mà có con số đó để cho vay được. Đơn vị làm cật lực 3 năm nay nhưng hiện toàn bộ dư nợ của đơn vị mới có ở mức 2.300 tỷ đồng. 

Quá trình tìm hiểu tiếp về dự án, PV đã được nghe thông tin việc một số cơ quan tham mưu tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình lên Chủ tịch UBND tỉnh để ký duyệt cho một nhà đầu tư rất yếu kém về năng lực tài chính được thực hiện dự án nghìn tỷ này. 

Hiện dư luận đặt câu hỏi, liệu có sự “ưu ái” nào của các cấp lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để phê duyệt cho Công ty Hoàng Sơn được thực hiện dự án nghìn tỷ và Giấy chứng thư bảo lãnh của BIDV chi nhánh Lam Sơn số 166/BIDV-LSOKH, ngày 9/10/2016 vì sao lại có tại hồ sơ trong khi thực hiện dự án này? 

PV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. 


Thu Hương