leftcenterrightdel
 

Khẩu hiệu khiến ban điều hành Đại học Hoa Sen say mê nhưng họ chưa phải là trường không vì lợi nhuận theo đúng luật pháp.

 

Lãnh đạo nhà trường xem thường pháp luật?

 

Vụ kiện thứ nhất: HĐQT ĐHHS đương nhiệm kiện ra tòa yêu cầu hủy kết quả của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, sau nhiều lần nguyên đơn vắng mặt, Tòa đã đình chỉ vụ kiện.

 

Vụ kiện thứ hai: Một số cổ đông trong đó có bà Bùi Trân Phượng kiện Công ty I-Connect (là công ty đã được một nhóm cổ đông ĐHHS lập ra nhằm chuyển cổ phần của các cổ đông ĐHHS sang, với ý định biến công ty này thành chủ sở hữu của ĐHHS) nhằm đòi lại số cổ phần ở đây. Vụ kiện này cũng bị đình chỉ khi bà Phượng và các cổ đông thuộc phe của bà không chứng minh được việc chuyển cổ phần của các nhà đầu tư ở ĐHHS sang I-Connect là trái pháp luật.

 

Vụ kiện thứ ba: Một nhóm cổ đông khác không tán thành cách điều hành của bà Phượng và HĐQT nên kiện ban điều hành đương nhiệm về việc tự ý điều chỉnh số cổ phần của họ trong Công ty I-Connect và Co-Ordinate để chuyển về ĐHHS, mà không có sự đồng ý của họ, do đó đã trả cổ tức còn thiếu cho các cổ đông này. Kết luận của Tòa án là việc chuyển đổi cổ phiếu, thực chất là nhằm làm giảm số cổ phiếu của I-Connect và Co-Ordinate trong ĐHHS xuống là không hợp pháp.

 

Ba vụ kiện này nói lên rất rõ bản chất cuộc tranh chấp hiện nay ở ĐHHS. Không hề có mâu thuẫn giữa việc trường vì lợi nhuận (VLN) hay không vì lợi nhuận (KVLN) ở đây. Vậy vì sao bà Bùi Trân Phượng, bằng mọi giá phải bám lấy danh nghĩa KVLN bất chấp các quy định của luật pháp về trình tự và thủ tục chuyển đổi?

 

leftcenterrightdel
 

Đại hội toàn trường sẽ thay thế Đại hội cồ đông nhưng lại không có thực quyền? (Ảnh minh họa)

 

Vấn đề đặt ra cho việc hoàn thiện chính sách

 

Cơ chế trường KVLN hiện nay vẫn còn những khoảng trống về trách nhiệm giải trình cho phép người điều hành hưởng lợi mà không bị kiểm soát.

 

Trong Điều lệ Trường Đại học mới ban hành theo Quyết định 70/QĐ-TTg, thành viên góp vốn chỉ chiếm 20% trong Hội đồng Quản trị. Trường KVLN không có ĐHĐCĐ như trước đây, mà thay vào đó là Đại hội Toàn trường (ĐHTT). Thế nhưng, khác với ĐHĐCĐ là tổ chức có thẩm quyền quyết định cao nhất trong việc quản trị nhà trường, ĐHTT có rất ít thẩm quyền.

 

Khoản 2 Điều 33 của Điều lệ quy định ĐHTT có quyền bầu và miễn nhiệm Ban kiểm soát (xin nhấn mạnh: không phải là bầu và miễn nhiệm HĐQT như ĐHĐCĐ trước đây); góp ý cho các chiến lược do HĐQT đề xuất (góp ý chứ không phải quyết định). Nói cách khác, ĐHTT có một vai trò rất yếu trong việc ra quyết định. Khoản 1 Điều 29 cho biết thẩm quyền chủ yếu là thuộc về HĐQT: “HĐQT là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường”.

 

Mặt khác, không có quy định nào ngăn chặn việc thành viên góp vốn trong HĐQT đồng thời là Hiệu trưởng, một tình thế tạo ra quyền lực tuyệt đối không bị kiểm soát. Vì vậy, trong thực tế, trường KVLN thực chất là trường của HĐQT, đặc biệt là khi Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm Hiệu trưởng.

 

Thêm vào đó, trường KVLN vẫn là sở hữu cá nhân, cổ phần vẫn có thể chuyển nhượng hay thừa kế, tức là rất khác với tính chất của các trường KVLN trên thế giới, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra.

 

Vì vậy, có thể hiểu được động lực nào đã khiến bà Bùi Trân Phượng tự đặt mình ra ngoài các quy định luật pháp hiện hành. Cơ chế KVLN có thể cho phép bà giữ quyền điều hành vĩnh viễn trong chừng mực chừng nào bà còn chưa bị kết tội vi phạm luật pháp.

 

Điều này thực ra không có lợi cho việc phát triển của nhà trường. Đóng góp to lớn của bà Bùi Trân Phượng đối với sự phát triển của ĐHHS là điều ai cũng phải công nhận, nhưng nỗi sợ mất chỗ của bà đã khiến ĐHHS không phát triển được hơn nữa và đã gây ra cuộc tranh chấp đáng tiếc hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước đều có cơ chế điều hành không quá hai nhiệm kỳ, nhằm bảo đảm cho sự lưu thông chất xám và khả năng đổi mới của tổ chức.

 

Không ai phản đối bà Bùi Trân Phượng thành lập trường KVLN hoặc thực hiện chuyển đổi ĐHHSthành trường KVLN, nhưng điều này phải được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp hiện hành. Nếu các văn bản luật pháp có điều gì bất cập, thì cần đấu tranh để thay đổi các quy định ấy, chứ không ai có thể chấp nhận lãnh đạo một trường ĐHHS lại tự cho phép mình đứng ngoài các quy định hiện hành.

 

Luật pháp đã quy định rõ ràng, thế nhưng bà Bùi Trân Phượng hết lần này đến lần khác vẫn ngang nhiên làm văn bản “cãi lại” UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT về những quyết định bằng văn bản của hai cơ quan này. Đề nghị các cơ quan bộ ngành cần có giải pháp dứt điểm với tình hình của trường ĐHHS để làm yên lòng hàng trăm giảng viên và gần 10.000 sinh viên của trường.

 

Nhật Minh