Đánh vào tâm lý nhiều người tiêu dùng cho rằng bún Thủ Đúc là bún sạch nên hàng loạt sạp hàng tại TP.HCM treo biển “bún Thủ Đức” sau sự cố bún nhiễm chất làm trắng.



Tại một số chợ, cửa hàng… mặt hàng bún vẫn trong tình trạng ế ẩm. Ghi nhận tại các chợ Tân Định, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Hoa Thám, Bàn Cờ, Thị Nghè… những ngày này cho thấy các sạp bán bún đã giảm hơn 50% lượng hàng nhập vào do sức tiêu thụ đã giảm mạnh. Để người tiêu dùng yên tâm, phần lớn tiểu thương bán bún, bánh hỏi được đóng gói sẵn 0,5 - 1kg, trên nhãn có đầy đủ thông tin về cơ sở sản xuất, địa chỉ, ngày sản xuất và ghi rõ “sản phẩm không sử dụng hóa chất độc hại, chỉ sử dụng trong ngày”, thế nhưng, người tiêu dùng vẫn chưa hết lo ngại nên sức tiêu thụ vẫn chưa phục hồi.

Chị Ngân bán bún, bánh canh, bánh phở… tại chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) cho biết, lúc trước mỗi ngày bán không dưới 100kg, hơn hai tuần nay chỉ dám lấy 40 - 60kg mà bán tới chiều tối vẫn còn tồn cả chục ký bún. “Ngay cả các mối bán bún riêu, canh bún cũng giảm, chỉ lấy chừng 5 - 10kg thay vì 20 - 25kg như trước”, chị Ngân than. Nhiều tiểu thương bán bún tươi, hủ tíu, bánh canh, bánh phở ở các chợ khác đều chung tình trạng ế ẩm tương tự. Bà Hà, chủ cơ sở bún ở Củ Chi, TP.HCM cho biết, gia đình làm bún, hủ tíu hơn 20 năm qua chưa bao giờ gặp tình cảnh như hiện nay. Không chỉ lượng bún làm ra giảm từ 500kg còn 300kg mà ngay cả hủ tíu cũng giảm hơn một nửa.

Theo quan sát của chúng tôi, người mua rất dè chừng, mua số lượng ít và phần lớn chọn bún, bánh hỏi… đóng gói sẵn, còn hàng cân ký thì không nhiều người mua.
 

Theo Đăng Thư - Nguyễn Cẩm
 PNO

.