Sau giai đoạn tăng mạnh, liệu nhóm cổ phiếu ngành ô tô có giữ được sự hấp dẫn trước các nhà đầu tư trong thời gian tới vẫn còn là một ẩn số.
Gây “náo loạn” trên sàn
Hiện thị trường Việt Nam đã trở thành sân chơi của rất nhiều doanh nghiệp ô tô trong và ngoài nước với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau. Trong đó có một vài thương hiệu Việt thật sự nổi bật như Trường Hải, TMT, Hoàng Huy….
Do nhu cầu tiêu thụ tăng nên doanh số bán ô tô tăng cao. Theo báo cáo của Hiệp hội Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 9/2015 trong cả nước đạt gần 21.400 chiếc, tăng 17% so với tháng 8 và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm doanh số bán ô tô vượt mức 20.000 chiếc, và đây cũng là tháng ô tô bán chạy từ đầu năm đến nay.
Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những con số tích cực từ tăng trưởng tiêu thụ của ngành ô tô cũng đã phản ánh trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành. Tính đến tháng 9/2015, có đến 4/5 doanh nghiệp hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Cụ thể, Công ty CP Ô tô TMT vượt 23%, Công ty CP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) vượt 7%, Công ty Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL) vượt 72% và Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) vượt 20%. Riêng Công ty Đầu tư Dịch vụ Ô tô Hoàng Huy (HHS) dù chưa hoàn thành nhưng cũng đạt 75,8% kế hoạch cả năm.
Dưới những thông tin khả quan trên, không ngạc nhiên khi các cổ phiếu ô tô có sự biến động mạnh về giá trong các phiên giao dịch gần đây.
Trong tháng 10, cổ phiếu ngành này đã đua nhau lên giá. Cụ thể, vào ngày 28/10, nhiều mã ngành đã tăng kịch trần: HHS tăng 600 đồng/cổ phiếu, HTL tăng kịch trần 12.000 đồng/cổ phiếu, HAX tăng kịch trần 1.400 đồng/cổ phiếu, TMT tăng hết biên độ 4.000 đồng/cổ phiếu. Cũng có những thời điểm trong tháng, nhóm cổ phiếu ngành ô tô là tâm điểm thị trường trong tuần giao dịch, khi mã HAX tăng giá tới 19,57% và TMT tăng 19,42%. Mã SVC cũng có mức tăng khá tốt trong tuần.
Không giống như nhóm cổ phiếu khác, chỉ tăng điểm khi có tín hiệu vui từ TPP, nhóm cổ phiếu ngành ô tô đã thực sự gây chú ý cho giới đầu tư khi liên tục tăng điểm từ đầu năm đến nay. Lý giải nguyên nhân nhóm cổ phiếu ngành ô tô luôn giữ được “phong độ” như vậy, VDSC cho biết, hiệu quả tích cực của hoạt động kinh doanh đã được phản ánh khá tốt vào diễn biến giá cổ phiếu.
Có mức tăng trưởng khá tốt, Công ty Trường Long cho biết chủ yếu do nhu cầu xe tải và xe chuyên dụng tiếp tục tăng mạnh. Trường Long là doanh nghiệp được thành lập từ 1998 chuyên kinh doanh và lắp ráp các loại xe tải Hino, xe chuyên dụng, xe đầu kéo…
Tương tự, doanh thu 9 tháng của TMT đạt 2.799 tỷ đồng, tăng 253% so với cùng kỳ 2014. TMT cũng là một doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu xe tải. Năm 2004, Công ty đưa vào hoạt động nhà máy ô tô Cửu Long lắp ráp các xe tải hạng trung và nhẹ, tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ yếu gồm: xe ben, xe đầu kéo, xe thùng, xe rơ mooc chở hàng.
Cũng theo báo cáo mới đây của HHS, sở dĩ doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh là do chiến lược lựa chọn những dòng xe phù hợp với nhu cầu, đặc biệt là các dòng xe trọng tải lớn. Đồng thời Công ty đã tối ưu hóa mọi chi phí, kiểm soát thanh toán nên không chịu thiệt hại biến động tỷ giá thời gian qua. Hoàng Huy là doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh, sửa chữa các dòng xe tải từ Trung Quốc. Năm 2011, công ty này đã ký hợp tác với Tập đoàn Dongfeng và là tổng đại lý cung cấp các loại xe ô tô DongFeng tại thị trường Việt Nam.
|
|
Không bằng phẳng trong năm sau
Mặc dù cổ phiếu của ngành ô tô đang được chú ý, nhưng theo VDSC thì nhiều nhà đầu tư lại quan ngại về việc liệu nhóm ngành này có đang giao dịch ở mức quá cao? Theo tính toán của VDSC thì P/E (hệ số giá trên thu nhập của một cổ phiếu) 2015 của ngành bán lẻ ôtô hiện là 7x; trong đó ngoài HHS có mức P/E forward (phương pháp dự đoán P/E trong tương lai) khoảng 4x thì các cổ phiếu còn lại đều khoảng 10x. So sánh với P/E trung bình toàn thị trường vào khoảng 11x, VDSC nhận thấy ngành ô tô sẽ không còn thực sự hấp dẫn trong năm 2016 nữa.
VDSC cũng cảnh báo các nhà đầu tư cần xem xét triển vọng ngành 2016 để định giá hợp lý khi năm tài chính 2015 sắp khép lại. Đối với dòng xe thương mại, VDSC cho rằng tốc độ tăng trưởng có thể bị chững lại sau bước nhảy vọt trong năm 2015.
Nguyên nhân được cho là việc Bộ Tài chính công bố dự thảo “Điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với ô tô tải và xe chuyên dụng”, với mức tăng từ 2% đến 40% cho một số loại xe nhập khẩu. Cộng với đó là thông tư của Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) có công văn số 778 gửi các sở, các Cục Quản lý đường bộ yêu cầu các địa phương đồng loạt kiểm tra trọng tải xe, nhằm chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải.
Như vậy, các doanh nghiệp phân phối xe thương mại như HHS, TMT hay HTL có thể khó đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ (trên 100%) năm 2015. Đặc biệt, HHS được dự báo sẽ chịu nhiều tác động khi dòng xe đầu kéo nhập khẩu nằm trong hạng mục tăng thuế nhập khẩu từ 20% hiện hành lên 25% theo dự thảo của Bộ Tài chính như đã đề cập ở trên.
“Số lượng xe trên đầu người của Việt Nam hiện là 33/1.000, thấp hơn các nước trong khu vực. Chúng tôi cho rằng mặc dù còn cơ địa tăng trưởng nhưng con đường phía trước của ngành ô tô không hẳn sẽ bằng phẳng như trong năm 2015”, vị đại diện VDSC khẳng định.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, ngành phân phối ô tô sẽ được hưởng lợi lớn từ việc Việt Nam gia nhập TPP. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Nhật và Mỹ chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam. Năm 2014, lượng xe ô tô nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật.
Trong số 12 thành viên tham gia đàm phán TPP thì có đến 4 nước đã có nền công nghiệp ô tô là Nhật Bản, Mỹ, Canada và Mexico. Theo thỏa thuận đã đạt được của 4 quốc gia này, ô tô sẽ được miễn thuế nhập khẩu phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất trong nội khối TPP. Với thỏa thuận này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành nhà cung cấp linh, phụ kiện cho các nhà sản xuất ô tô trong khối TPP. Ngoài ra, theo cam kết từ TPP, nhiều khả năng mức thuế nhập khẩu giữa các nước trong khối sẽ giảm về 0% vào năm 2018. Những thuận lợi như vậy hứa hẹn sẽ mở ra không ít cơ hội cho ngành ô tô Việt Nam trong tương lai.
Theo NTD