Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt đề án quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định, trình Chính phủ trong quý 2/2021.

leftcenterrightdel
Nhiều chứng từ trong hồ sơ kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ được cắt giảm. 

Cụ thể, Dự thảo Nghị định đã mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với 22 trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo Tổng cục Hải quan, nội dung này, đã kế thừa đầy đủ các trường hợp miễn kiểm tra quy định tại các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm. Đồng thời, bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra đã phát sinh trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý hải quan.

Ngoài ra, sẽ cắt giảm nhiều chứng từ trong hồ sơ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm như: Cắt giảm được 6/10 chứng từ tổ chức, cá nhân phải nộp/xuất trình khi thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng; bỏ quy định nộp Bản sao Danh mục hàng hóa (Packing list) đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt của an toàn thực phẩm; đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra giảm thì chỉ những lô hàng phải kiểm tra mới phải nộp hồ sơ.

Việc cắt giảm các chứng từ này giúp đơn giản và minh bạch hồ sơ, tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, với những điểm mới nữa là áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp..

Đặc biệt là ứng dụng tối đa hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra, tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

 Theo đánh giá của hải quan, việc xây dựng Nghị định sẽ góp phần cắt giảm chi phí, thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của các Luật hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước/Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Đồng thời, tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng…

N. Anh