Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông báo, kết quả kiểm soát an toàn thực phẩm với sản phẩm hạt trân châu có nguồn gốc từ Đài Loan trên thị trường Hà Nội vẫn chưa phát hiện có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, trên thị trường hiện có nhiều nguyên liệu làm trà sữa (ảnh) vẫn chưa được kiểm định.

 


13 mẫu kiểm nghiệm chưa phải là tất cả!

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 6/6 mẫu hạt trân châu không phát hiện có acid maleic. Còn kết quả kiểm nghiệm 13/13 mẫu trà sữa trân châu có hàm lượng acid benzoic (từ 30,6-199,6 mg/kg sản phẩm) dưới mức giới hạn quy định là (1000mg/kg sản phẩm) và không phát hiện có acid maleic. Như vậy, hiện tại vẫn chưa phát hiện hạt trân châu và trà sữa trân châu có các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cục An toàn thực phẩm cho biết, các đơn vị chức năng đang tiếp tục mở rộng giám sát, lấy mẫu hạt trân châu và trà sữa trân châu đang lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm phát hiện hóa chất độc hại.

Tuy nhiên, số mẫu mà các cơ quan kiểm nghiệm lấy để xét nghiệm và công bố kết quả chưa phát hiện có chất độc hại vẫn còn quá ít và chưa đầy đủ. Theo khảo sát của PV, tại chợ Đồng Xuân và một số phố chuyên bán các hóa chất, hương liệu thực phẩm của Hà Nội như Hàng Bồ, Hàng Buồm, Hàng Giầy..., các sản phẩm để sử dụng pha chế trà sữa trân châu rất đa dạng. Riêng sản phẩm hạt trân châu, tại chợ Đồng Xuân có rất nhiều loại bày bán với nhiều màu sắc, mẫu mã được đựng trong những bao tải lớn không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Hạt trân châu loại này được bán với giá rẻ, từ 18.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.

Không chỉ các hàng giải khát, quán chè ở Hà Nội mà rất nhiều địa phương lân cận trở thành mối hàng quen thuộc của các sạp hàng hạt trân châu. Để che mắt người mua, người bán luôn giới thiệu là hàng do VN sản xuất, nhưng trên bao bì luôn dày đặc chữ Trung Quốc. Không chỉ bán hạt trân châu, các cửa hàng này còn bán các loại bột để làm trà và được tiêu thụ với số lượng lớn. Với đủ các loại hương vị như trà xanh, socola, dâu, dưa gang... đựng trong bao bì màu xanh, màu vàng, bột trà có giá bán rẻ hơn 100.000đ/kg, rất tiện pha chế.

Bên trong các gói bột có chứa bột màu trắng đục với nhiều hạt nhỏ li ti, chỉ cần pha với nước, thêm ít sữa và hạt trân châu sẽ tạo ra cốc trà sữa trân châu. Trên bao bì các các loại bột trà này cũng chỉ có chữ Trung Quốc.  

Nhiều mẫu nguyên liệu chưa được kiểm định

Trên thị trường các nguyên liệu làm trà sữa  trân châu đang rất nhộn nhạo, việc Cục An toàn thực phẩm đưa ra công bố chưa phát hiện có chất độc hại trong trà sữa trân châu trên vài mẫu kiểm nghiệm đã làm người tiêu dùng cho rằng là sản phẩm này an toàn và tiếp tục sử dụng. Vậy những nguyên liệu khác đang được dùng làm trà sữa trân châu bán trên thị trường mà chưa được kiểm nghiệm liệu có an toàn, có nhiễm chất độc hại hay không? Đó là câu hỏi mà rất nhiều bạn đọc đang quan tâm.

Trước các thông tin có chất độc hại trong đồ ăn, thức uống, cơ quan quản lý về thực phẩm thường đưa ra khuyến cáo đến người dân rằng không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng vì sản phẩm đó có thể chứa các tạp chất, chứa phụ gia, chất tạo màu, chất tạo ngọt cấm sử dụng trong thực phẩm... Tuy nhiên, những khuyến cáo đó cần phải có những căn cứ khoa học rõ ràng thì sẽ thuyết phục người dân hơn.  

Cơ quan quản lý về thực phẩm  của Hà Nội còn nhấn mạnh rằng, các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc không được phép lưu hành, nếu phát hiện sẽ bị thu hồi và tiêu hủy. Nhưng việc kiểm soát này của cơ quan quản lý cũng mới chỉ làm ở phần ngọn, vì thế các thực phẩm “bẩn” vẫn còn cơ hội để tung hoành, người tiêu dùng vẫn mù mờ trước các thông tin về thực phẩm.


Theo Đức Anh
Lao Động

.