Với những lời đường mật được rao trên website, nhiều chủ web bán hàng trực tuyến đã bán được những sản phẩm chất lượng chợ với giá "trên trời".

 


“Tôi đem ra sạp quần áo ngay trên vỉa hè sông Kim Ngưu (Hoàng Mai, Hà Nội) để so sánh mới tả hỏa rằng số quần áo tại sạp không khác gì so với chiếc áo tôi đã mua nhưng giá chỉ dao động ba trăm đến năm trăm ngàn đồng mỗi chiếc”.

Được biết, chủ kinh doanh hàng trực tuyến thường nhắm đến bộ phận người là tín đồ thời trang có điều kiện tài chính. Để làm được điều này họ buộc phải tạo nên các fanpage trên mạng xã hội sau đó kết bạn với các thành viên có gu thời trang ăn chơi, còn non trẻ để “câu mồi”.

Để biết rõ hơn về cách chào hàng của những chủ hàng trực tuyến chuyên lừa khách, chúng tôi đã tìm đến một số địa điểm xuất hàng với tên facebook bán hàng thời trang trực tuyến và nhận được những lời chia sẻ. “Đối tượng chính để chào hàng là những người trẻ hoặc người có nhu cầu mua sắm cao. Những người trẻ thuộc phái nữ mới có thể bỏ số tiền lớn để mua những món hàng đắt tiền mà không chút đắn đo” –chủ bán hàng trực tuyến trên facebook tiếp lộ.

Mánh của dân buôn thời trang trực tuyến

Cướp khách hàng, ăn cắp chất xám, làm giả facebook để lừa đảo, đó chưa phải tất cả mảng tối mà bán hàng trực tuyến trên facebook đem lại nhưng đó lại là vấn đề nhức nhối với rất nhiều người.

Người dùng facebook tại Việt Nam phần lớn là những người trẻ như từ lứa tuổi học sinh cấp hai, cấp ba đến sinh viên, công – nhân viên. Trong số này, học sinh cấp ba cho đến sinh viên, nhân viên văn phòng là nhóm sử dụng mạng xã hội cao nhất và có nhu cầu mua sắm rất cao.

Với việc mạng xã hội được hình thành cũng mở ra cơ hội mới cho hình thức mua bán trực tuyến được phổ biến hơn. Tuy nhiên, không ít kẻ gian lợi dụng cơ hội để “kiếm lời” với các trò mua bán gian trá khác nhau định hình.

Để rõ hơn về vấn đề này chúng tôi đã tìm đến một số chủ hàng thời trang trực tuyến trong vai người có nhu cầu làm đại lý để nhập sản phẩm. Sau một hồi thương lượng, chúng tôi nhận được lời bật mí từ người bán hàng:

Với những người mới vào nghề chị có thể áp dụng chiến thuật kinh doanh như bán hàng kiểu “rỉ tai”, tức là lấy trộm thông tin của những khách hàng tiềm năng từ các trang facebook chính thức để nói với họ về sản phẩm mình đang bán có giá rẻ hơn những chất liệu ngang nhau.

Để tạo cho sản phẩm độ bóng bẩy và hút hồn khách hàng người bán hàng cần sắm một "ống kính xịn", tay thợ xịn, để có những bức ảnh lung linh. Việc cuối cùng là chủ hàng cần tìm cho mình một cô người mẫu hoặc người bạn gái thật xinh, đáng yêu để thuê cô ấy chụp ảnh “selfie” nhằm tăng sự cuốn hút, quyến rũ cho khách hàng”.

“Tuy giá thuê người mẫu có hơi đắt nhưng “đắt xắt ra miếng”. Điều đó cũng có nghĩa là giá bán sản phẩm được nâng lên gấp hai thậm chí là gấp ba lần so với những sản phẩm khác và lượng “like” trên mạng xã hội liên tục tăng sẽ kéo theo doanh số tăng” – nữ chủ quán chia sẻ.

Một chủ khác thừa nhận đã có nhiều thời gian phải thuê bạn bè lên đặt hàng với số lượng lớn để gây cơn sốt ảo, kích thích các tín đồ thời trang.

Mua hàng trực tuyến đem lại cho người tiêu dùng những thuận lợi nhất định và là một hệ quả tất yếu trong quá trình phát triển. Thế nhưng, đằng sau những mảng tối ấy là vô số những chiêu trò của những kẻ bịp bợm, lừa đảo, kinh doanh theo kiểu chộp giật.

Để không bị sập bẫy mua hàng trực tuyến, mọi người nên cẩn trọng cảnh giác, đọc kỹ thông tin, tham gia khảo giá, chất liệu sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, để mô hình kinh doanh này ngày một phát triển lành mạnh hơn, trước khi trở thành người bán hàng mỗi người chủ nên định hướng cho mình trở thành người kinh doanh có tâm, có tầm và thể hiện đầy đủ trách nhiệm để bảo vệ uy tín của cửa hàng
 

Theo PLVN

.