Tròn hai năm trước, vào tháng 9/2016, lần đầu tiên thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tổ chức lại giao thông nhằm giảm ùn tắc trên một số tuyến đường huyết mạch của phố biển Nha Trang. Giải pháp chủ yếu được thực hiện bao gồm hạn chế ô tô dừng, đỗ, lưu thông trên một số tuyến đường chính, đường hẹp ở khu vực trung tâm thành phố.

Đến cuối năm 2017, việc tổ chức giao thông được điều chỉnh, bổ sung, trong đó điều chỉnh tốc độ tối đa; hạn chế xe tải trên 1,5 tấn, xe khách trên 30 chỗ ngồi; cấm xe ô tô dừng/đỗ trên một số tuyến đường có mật độ giao thông cao; phân luồng giao thông, hình thành một số tuyến đưòng một chiều trong khu vực nội đô,..

Cũng trong giai đoạn này, Nha Trang hình thành thêm một số tuyến đường, gồm đường Võ Nguyên Giáp (song song với đường 23/10) nối Nha Trang với huyện Diên Khánh; đường từ 86 Trần Phú nối với đường Hoàng Diệu, kết hợp cấm xe khách từ trên 30 chỗ lưu thông hướng từ 86 Trần Phú đến ngã ba Trần Phú - Hoàng Diệu. Hai tuyến đường này giúp “chia lửa” với hai “điểm nóng” ùn tắc giao thông trên tuyến 23/10- vòng xoay Mã Vòng và khu vực 100 Trần Phú, Nha Trang. Việc điều tiết này giúp giảm áp lực ùn tắc trên đường Trần Phú, tuy nhiên, lại làm phát sinh điểm ùn tắc giao thông khu vực đầu đường Hoàng Diệu, do đường này là một trong những trục đường chính, lại là khu vực tập trung các khách sạn, nhà hàng, mật độ xe đông đúc. Trong khi, giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường 23/10 chưa hình thành các tuyến kết nối khiến cho đường Võ Nguyên Giáp chưa được khai thác tối đa.

leftcenterrightdel
 Ùn tắc giao thông xảy thường ngày trên nhiều tuyến đường huyết mạch tại Nha Trang.
leftcenterrightdel
 Ùn tắc giao thông trên đường 23 Tháng 10. Ảnh: N. Chung
leftcenterrightdel
 Ùn tắc giao thông khu vực vòng xoay Mã Vòng. Ảnh: N. Chung

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp với với mức độ khá quyết liệt, tuy nhiên hiện nay, cùng với thực tế lượng du khách đến Nha Trang liên tục tăng trưởng “nóng”, tình trạng ùn tắc giao thông tại Nha Trang không những ít được cải thiện mà còn có chiều hướng trầm trọng thêm. Ô tô và các phương tiện tham gia giao thông dày như nêm, nối nhau trên chiều dài nhiều cây số là cảnh diễn ra thường ngày trên nhiều tuyến đường của Nha Trang, nhất là vào giời cao điểm.

Nhằm giải cứu ùn tắc giao thông, hiện nay, Nha Trang đang đồng thời xúc tiến triển khai hai đề án thu phí đỗ xe và phát triển tổ chức giao thông thành phố Nha Trang định hướng đến năm 2025.

Ở hai đề án này, ngoài việc hướng đến thu phí đỗ xe tại 31 tuyến đường nội đô thành phố Nha Trang với phương thưc tính phí lũy tiến theo giờ nhằm hạn chế việc đậu xe tùy nghi, vô thời hạn gây ách tắc giao thông; việc điều tiết giao thông được thực hiện quyết liệt với việc chuyển 7 cặp đường với 14 tuyến đường hẹp tại trung tâm thành phố Nha Trang thành đường một chiều. Xe khách từ 29 chỗ và xe tải trên 1,5 tấn cũng sẽ bị cấm tại lưu thông trên đường Trần Phú và nhiều tuyến đường trung tâm khác vào giờ cao điểm. Việc đón trả khách của các cơ sở lữ hành chuyển đổi bằng phương tiện có sức chở nhỏ.

leftcenterrightdel
Ùn tắc giao thông trên đường Trần Phú. Ảnh: N. Chung 
leftcenterrightdel
Việc sử dụng xe chở khách loại lớn để đón trả khách ngay trên đường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông. 

Phương án cũng đề xuất giải pháp cấm dừng, đỗ phương tiện giao thông đường bộ trên đường Trần Phú (cả hướng đông và hướng Tây) từ phía nam cầu Trần Phú đến đường Vòng Núi Chụt; đồng thời áp dụng dừng đỗ theo quy định ngày chẵn, ngày lẻ ở một loạt tuyến đường khác. Ngoài ra, việc quản lý vỉa hè, trong đó có tính đến khả năng thu phí và hạn chế sử dụng theo giờ cũng đã được đưa ra, nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng vỉa hè tràn lan.

Tuy vậy, các phương án chống ùn tắc giao thông tại Nha Trang mới chỉ dừng lại ở việc điều tiết giao thông. Ông Ngô Khắc Thinh- Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Nha Trang, đơn vị nghiên cứu và chắp bút xây dựng các đề án giảm ùn tắc giao thông thành phố Nha Trang thừa nhận, các giải pháp tổ chức giao thông đã và đang thực hiện cũng chỉ mang tính tạm thời, xử lý tình huống. Để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông tại Nha Trang cần các biện pháp căn cơ, lâu dài. “Giải pháp căn cơ, bên cạnh việc thiết kế, tổ chức giao thông phải bảo đảm tính khoa học, đồng bộ; các cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại,.. khi xây dựng phải bố trí đủ chỗ dừng, đỗ xe cho khách hàng. Căn bản nhất là phải đầu tư hạ tầng giao thông tĩnh, đặc biệt là hệ thống bãi đậu xe”- Ông Thinh đề xuất.

leftcenterrightdel
Cầu Bình Tân, cây cầu duy nhất trên sông Quán Trường, nơi toàn bộ phương tiện giao thông đổ về qua cửa ngõ Đông Nam Nha Trang. 

Khảo sát của Phòng Quản lý đô thị Nha Trang về hiện trạng giao thông tại ba phường trung tâm là Lộc Thọ, Tân Lập, Phước Tiến, cho thấy, tỷ lệ đất dành cho các công trình giao thông chỉ là 4,3% và chưa có bãi đậu xe. Cũng theo kết quả khảo sát, khả năng mở rộng các tuyến đường khu vực trung tâm Nha Trang là khá hạn chế, trong khi vỉa hè của phần lớn các tuyến chưa được giải tỏa đúng chỉ giới. Thiếu không gian, các phương tiện xe mô tô - người đi bộ thường chiếm dụng lòng đường dẫn đến phần lòng đường dành cho xe chạy bị thu hẹp gây cản trở thông.

Xác định hạ tầng là một trong những giải pháp căn cơ, mẫu chốt giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tuy nhiên địa phương lại chưa có những đề án nghiên cứu để đưa ra các giải pháp về hạ tầng. Mặt khác, các đề án cũng chỉ loay hoay và tập trung tháo gỡ ở khu vực trung thành phố Nha Trang mà chưa có phương án giao thông tổng thể, bao gồm cả hạ tầng giao thông toàn thành phố và liên kết với mạng giao thông tỉnh, quốc gia.

Một trong những vấn đề đặt ra cho giao thông thành phố Nha Trang hiện nay là hướng tuyến Bắc - Nam và ngược lại, trong đó áp lực cho tuyến đường ven biển, nơi tập trung hệ thống resort, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí,.. ngày càng gia tăng. Thế nhưng ở hướng tuyến này, toàn bộ phương tiện giao thông từ trung tâm thành phố để thoát ra khu vực ngoại thành đều phải qua cầu Bình Tân và đây là hướng ra duy nhất. Một chuyên gia giao thông cho rằng, việc chỉ có một cây cầu bắc qua sông Quán Trường, nối trung tâm thành phố Nha Trang với ngoại thành phía Đông Nam thành phố là bất hợp lý, về lâu dài không có khả năng giải tỏa lượng phương tiện giao thông rất lớn từ nội thành. “Sớm muộn, khu vực cầu Bình Tân sẽ trở thành điểm nghẽn nếu không có các phương án xây dựng các cây cầu song song trên sông Quán Trường”. - Chuyên gia này nói.

Nguyễn Huân