Trong 6 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, quý I tăng 7,05% và quý II ước đạt 7,96%. Mức tăng này tiệm cận sát với kịch bản đã được xây dựng từ đầu năm là 7,58%, cho thấy sự phục hồi rõ nét và bền vững hơn của nền kinh tế sau giai đoạn nhiều biến động. Đây cũng được xem là bước đệm quan trọng, tạo nền tảng thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 ở mức 8% theo kế hoạch đã đề ra.

Ba động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong nửa đầu năm bao gồm: sự quyết liệt trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế, sản xuất; cùng với đó là các chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước như giảm thuế, mở rộng tín dụng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 16%. Trên cơ sở kết quả tích cực này, kịch bản tăng trưởng mới được cập nhật, trong đó dự báo 6 tháng cuối năm có thể đạt mức tăng 8,42%, qua đó nâng mức tăng trưởng cả năm đạt mục tiêu 8%.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. 

Tuy vậy, không thể chủ quan bởi nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức tiềm ẩn. Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang trên phạm vi toàn cầu, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhu cầu tiêu dùng của thị trường quốc tế suy giảm gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu; các rào cản kỹ thuật và yêu cầu cao hơn về môi trường, phát triển bền vững đang ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong nước, giải ngân đầu tư công tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt tiến độ như kỳ vọng, sức mua nội địa phục hồi nhưng còn yếu và chưa thật sự ổn định. Trước bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa giữa các cấp, ngành trong điều hành chính sách vĩ mô.

Trong đó, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm nền kinh tế phát triển thực chất, ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới. 

Công Ngọc