leftcenterrightdel
Theo bà Nga,cần có sự kiểm toán, thanh tra làm rõ các trường hợp doanh nghiệp bán lẻ báo lỗ để tạo môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng và lành mạnh (ảnh: T.D)

Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, quy mô thị trường bán lẻ những năm gần đây tăng nhanh chóng. Năm 2010 là 88 tỷ USD, 2017 là 130 tỷ USD và dự báo 2019 là 179 tỷ USD. Song đây vẫn là thị trường nhiều khiếm khuyết, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia.

Bà Nga cũng cho biết: Hiện thị trường bán lẻ của Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng khá nhanh. Năm 2018 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017- đây là mức tăng đột phát và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Cơ sở hạ tầng bán lẻ ngày càng có sự chuyển biến phù hợp với phát triển kinh tế xã hội, theo thống kê năm 2017 cả nước có trên 8.500 chợ, gần 1.000 siêu thị và gần 200 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở thành phố lớn.

Ngoài ra, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, nhất là CPTTP chính là cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn nhất thế giới, nhất là chuỗi cung ứng điện tử, công nghệ cao…Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, với ít rào cản và điều kiện hơn.

Thế nhưng thách thức cũng không ít vì 96% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có tới 60% doanh nghiệp siêu nhỏ.

Đáng nói là tình trạng ép cấp, ép giá trong thu mua hàng hóa nông sản và cung ứng cho thị trường bán lẻ: từ khâu sản xuất, việc định hướng còn rất lúng túng, nông dân vẫn mải chạy theo lợi nhuận, theo phong trào để rồi đổ xô vào sản xuất các hàng hóa đang được giá trên thị trường, dẫn đếnh tình trạng dư thừa….Rồi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và mất vệ sinh tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn xuất hiện nhiều thị trường.

leftcenterrightdel

Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực Miền Bắc, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho rằng, các DN bán lẻ  cần khai thác các giải pháp công nghệ, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng ( ảnh minh họa: T.D) 

Bên cạnh đó, bà Nga cũng chỉ ra sự lo ngại lớn hiện nay đó là tình trạng báo lỗ để chuyển giá, trốn thuế, “cần có sự kiểm toán, thanh tra làm rõ các trường hợp doanh nghiệp bán lẻ báo lỗ để tạo môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng và lành mạnh”- bà Nga nói.

Là một chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành chia sẻ, bán lẻ là ngành được nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và khởi nghiệp nhiều nhất ở Việt Nam, theo số liệu chỉ số kinh doanh khởi nghiệp ở 54 nước thì Việt Nam đứng thứ 2/54 nước được khảo sát, trong khi các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp lại đứng thứ 45 trở lên. “ không biết là vui hay buồn, ai khởi nghiệp cũng chọn lĩnh vực thương mại”- ông Thành bày tỏ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế với việc đất nước ra nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới sẽ dẫn đến sự thâm nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Cùng với đó là bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là thời điểm cạnh tranh mạnh mẽ giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống…Do đó, yêu cầu đặt ra là chúng ta cần phải xây dựng chiến lược phát triển thị trường bán lẻ bền vững. Tiếp tục đa dạng hóa các phương thức bán lẻ, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng thương mại bán lẻ và hạ tầng xã hội để tăng tính hấp dẫn môi trường kinh doanh, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Đại diện công ty nghiên cứu về thị trường, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực Miền Bắc, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam thì cho rằng, hiện khách hàng càng ưu thích kênh bán hàng hiện đại, theo dó sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe và dịch vụ cao cấp. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong xu thế hiện nay cần khai thác các giải pháp công nghệ, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng.

Người tiêu dùng rất muốn có được sự tiện lợi, do đó các nhà bán lẻ hiện nay cũng cần mang lại sự tiện lợi cho khách hàng bằng cách là có những cửa hàng đặt ở những nơi tiện lợi hoặc qua quá trình mua hàng online cũng phải theo hướng tiện lợi cho khách hàng. Các sản phẩm phải được thiết kế theo hướng phù hợp với các hộ gia đình  hiện nay, phát triển hàng cao cấp. Đồng thời các nhà cung cấp phải chú trọng đến việc các sản phẩm phải đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, hiện Bộ Công thương đã có tờ trình lên Chính phủ nhằm tạo sức đột phá cho ngành bán lẻ Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035.

Minh Nhật