Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo vị Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, những sản phẩm của Công ty Kirin sản xuất trước ngày 3.10.2016 do Pepsico Việt Nam gia công cần phải được thu hồi.
|
Ảnh minh họa. |
Đánh đố người tiêu dùng
Thông tin từ Kết luận thanh tra Công ty Pepsico Việt Nam về việc công ty này gia công sản phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam (Bình Dương) khi doanh nghiệp này chưa có Giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.
Thời điểm bắt đầu hoạt động thanh tra Pepsico Việt Nam là ngày 7.9.2016 nhưng phải đến ngày 3.10.2016, Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam mới được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương cho hay: "Về nguyên tắc, khi chưa có giấy chứng nhận (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm - PV) mà đã sản xuất sản phẩm để Pepsico Việt Nam gia công là sai". Theo ông Nguyễn Văn Bán, việc làm sai này phải chịu xử phạt hành chính của nhà nước.
"Theo nguyên tắc, Pepsico Việt Nam và Công ty TNHH Nước giải khát Kirin cần phải giải trình với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về vấn đề tại sao khi chưa có giấy phép đã sản xuất nước giải khát. Sau đó, khi xác định chính xác mức độ vi phạm quy định về sản xuất nước giải khát thì phải phạt, và về nguyên tắc, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thì những sản phẩm được sản xuất khi công ty chưa có giấy chứng nhận của Cục An toàn thực phẩm cấp thì phải thu hồi", ông Bán nói.
Vị Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương cũng cho rằng đáng lẽ tại thời điểm Thanh tra Bộ Y tế tiến hành thanh tra thì phải đình chỉ sản xuất kinh doanh luôn, khi nào có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được sản xuất trở lại.
Về vấn đề nhãn mác sản phẩm của Pepsico Việt Nam, theo ông Bán, việc chỉ đề “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM” là sai so với quy định của Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.
Với việc ghi chung chung như vậy, ông Bán cho rằng Pepsico Việt Nam đang đánh đố người tiêu dùng.
"Anh (Pepsico Việt Nam) sản xuất ra nhiều, lợi nhuận lớn dữ lắm chứ đâu có thể tiết kiệm việc in nhãn mác được. Anh sản xuất ở vài ba nơi mà anh không ghi rõ các nơi ra thì đó là sự mập mờ. Nếu ghi rõ thì uy tín của anh tăng lên chứ chẳng có vấn đề gì cả. Việc mập mờ như vậy cũng đem đến cái khó cho người tiêu dùng. Thứ nhất là việc truy nguồn gốc, nơi sản xuất khó khăn. Thứ hai, làm như vậy, anh đã gây cho người tiêu dùng tâm lý không tin tưởng về chất lượng", ông Bán nói
Ông Bán cũng kể một ví dụ về vấn đề nhãn mác: "Trước đây có một công ty sản xuất phân bón, địa chỉ ở TP.Hồ Chí Minh nhưng về Bình Dương thuê địa điểm để sản xuất. Khi đó, công ty này có vi phạm không đăng ký với địa phương, không ghi nhãn là sản xuất sản phẩm tại Bình Dương và đã bị xử phạt".
Dưới góc độ Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Bán cho rằng Pepsico Việt Nam cần ghi rõ nơi sản xuất sản phẩm của mình.
"Chỉ là sản phẩm trôi nổi"
Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi về vấn đề của Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ với tiêu dùng Hà Nội cho rằng: "Về luật, công ty sản xuất sản phẩm có liên quan đến ăn uống nói chung thì phải được cấp giấy chứng nhận của cơ quan chức năng thì mới được sản xuất. Nếu sản phẩm đó đưa ra thị trường khi chưa có giấy chứng nhận thì đó chỉ là một sản phẩm "trôi nổi". Trong trường hợp này, đơn vị cấp giấy chứng nhận để công ty sản xuất những sản phẩm đó, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hoàn toàn có thể xử phạt và yêu cầu công ty thu hồi các sản phẩm được sản xuất trong khoảng thời gian công ty chưa được cấp giấy chứng nhận".
Cũng theo bà Chi, trong vấn đề nhãn mác của Pepsico Việt Nam, nếu công ty này ghi rõ nơi sản xuất sản phẩm thì quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo hơn.
"Là những người tiêu dùng, chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp cần thực hiện việc ghi nhãn mác sản phẩm đúng theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa. Trong một số trường hợp, việc ghi rõ nơi sản xuất sẽ giúp công ty tiếp nhận những góp ý của người tiêu dùng để chất lượng sản phẩm tốt hơn (khi một loại sản phẩm được sản xuất ở nhiều nơi khác nhau)", bà Chi nói.
Theo Xuân Quảng/Motthegioi