Trong 6 tháng đầu năm 2015, việc cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại. Trong đó, những sản phẩm hàng nhái liên quan đến thiết bị sử dụng điện càng khiến người tiêu dùng bấn loạn vì an toàn sức khỏe.

 


Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hồ Chí Minh liên tục phát hiện nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép phích cắm điện chân tròn giả nhãn hiệu Điện Quang.

Cơ quan này đã tịch thu 225 phích cắm điện chân tròn loại PC 2A-2 đang được các đối tượng vận chuyển từ quận 1 về các địa điểm kinh doanh tại quận 7 và huyện Nhà Bè để bán ra thị trường. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái và đang mở rộng điều tra vụ việc.
 

Cách phân biệt sản phẩm phích cắm Điện Quang thật, có chân phích cắm là đồng và bề mặt láng, không thô ráp
Cách phân biệt sản phẩm phích cắm Điện Quang thật, có chân phích cắm là đồng và bề mặt láng, không thô ráp


Theo một quan chức, việc các tổ chức có thể trộn hàng giả, hàng nhái bán ra thị trường kiếm lời vì các loại phích cắm giả này “copy” y chang từ thiết kế bao bì đến thiết kế sản phẩm, trong khi đó chất lượng lại không được đảm bảo. Theo các chuyên gia cảnh báo, các loại dây điện, ổ cắm, công tắc điện kém chất lượng có rất nhiều tác hại.

Đặc biệt các phích cắm, ổ cắm không đảm bảo được các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vật liệu sẽ dễ gây nên chập điện, cháy nổ. Điều đáng lo ngại là hiện nay, các sản phẩm điện gia dụng giả, nhái các thương hiệu đang được “thiết kế” với vẻ ngoài ngày càng tinh vi hơn và bày bán tràn lan trên cả nước.

Thực ra, việc bán hàng nhái, hàng giả không chỉ riêng mình Điện Quang mà xảy ra với hầu hết các thương hiệu lớn trong nước. Thậm chí, có thể nói hàng giả, hàng nhái là vấn nạn của tất cả mọi quốc gia trên thế giới và ngày một gia tăng.

Nói như ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, ở Việt Nam, mặt hàng làm giả, làm nhái hầu như phủ khắp tất cả các loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp; từ những mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, hàng điện tử, nội thất… đến những mặt hàng ăn uống, chăm sóc sức khỏe như thuốc, bánh kẹo, rượu bia…; thậm chí giống cây trồng, phân bón, hộ chiếu, con dấu… cũng bị làm giả.

Còn theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, hàng giả, hàng nhái là vấn đề nan giải của toàn xã hội, nó ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, là kẻ thù của DN. Đáng báo động là việc người tiêu dùng bị lừa, thậm chí nhiều trường hợp còn “tiền mất tật mang”, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

Ông Minh cho biết thêm, hiện nay thực trạng xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp xảy ra với mọi loại hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là hàng hóa đã qua đăng ký, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Không chỉ bán hàng giả, những kẻ lừa đảo còn lấy đích danh công ty, địa chỉ, điện thoại chăm sóc khách hàng, làm giả con dấu và thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi “ảo” để dụ dỗ người dân vào tròng. Với hành động này, các tổ chức chuyên làm hàng giả, hàng nhái tạo ra “siêu lợi nhuận”, thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Theo số liệu thống kê của Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, riêng tháng 4/2015 đơn vị này đã phát hiện 41 vụ vi phạm, thu giữ gần 30.000 sản phẩm đối với mặt hàng mỹ phẩm có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp. Những sản phẩm này không có hóa đơn chứng từ, bày bán tại các cửa hàng trên phố và sạp mỹ phẩm ở các trung tâm thương mại.

Đồng thời, lực lượng QLTT đã xử phạt vi phạm hành chính 480 vụ, thu nộp ngân sách trên 5,1 tỷ đồng (gồm tiền phạt và tiền bán hàng tịch thu), tăng hơn 136% so với tháng trước. Con số này đang tăng dần ở tháng 5, 6 và 7/2015.

Đánh giá về việc dễ dàng kiếm tiền “bẩn” này, lãnh đạo một DN cho rằng, ngoài nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái lộng hành là do những người làm ăn bất chính, hám lợi thì còn do chính các DN, người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước.

Cụ thể, các DN có sản phẩm bị làm giả, làm nhái đã không công bố do sợ ảnh thưởng đến uy tín sản phẩm, sợ người tiêu dùng hoang mang, sợ các đối tượng làm giả sau khi biết được sẽ làm giả, nhái tinh vi hơn. Người tiêu dùng vẫn còn mang tâm lý ham của rẻ hoặc tin vào những lời quảng cáo “có cánh”, không tìm hiểu xuất xứ sản phẩm.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, tuy đã có luật sở hữu trí tuệ nhưng việc hướng dẫn, thi hành còn quá chậm, thiếu đồng bộ, chậm đi vào đời sống. Việc xử phạt vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe, trong khi lợi nhuận thu được từ việc làm hàng giả, hàng nhái rất lớn nhưng số tiền phạt thì quá nhỏ. Tất cả những nguyên nhân trên đã tiếp tay tạo lợi nhuận khủng cho một số DN, tổ chức.

Hay muốn mua sản phẩm điện “thật” thì mua ngay tại các showroom trưng bày và cửa hàng chính hãng luôn là lời khuyên hàng đầu. Bên cạnh đó, nhận diện hàng thật, giả bằng mắt thường cũng là biện pháp nhanh nhất để người tiêu dùng bảo vệ chính mình trong thời buổi thị trường “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.
 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

.