Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình” diễn ra ngày 5/10.

Diễn đàn thu hút hơn 1.000 doanh nhân đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước chia sẻ về cơ hội, thách thức và hàm ý chiến lược cho doanh nghiệp Việt – tầm nhìn 2045.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng được giữ vững, an ninh – trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện và chủ động hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới.

9 tháng đầu năm 2019, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả rất phấn khởi như GDP tăng 6,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm qua.

Lạm phát được kiểm soát tốt với mức tăng 2,5% - mức thấp nhất trong 3 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, xuất khẩu trên đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%, xuất siêu ở mức kỷ lục, gần 6 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tăng khá, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong quý III, có hơn 102.000 doanh nghiệp thành lập mới.

leftcenterrightdel
 Hơn 1.000 doanh nhân tham gia hoạt động thả bồ câu ước nguyện hòa bình cho đất nước.

Đạt được những kết quả trên, khẳng định sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là có sự đóng góp hết sức quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân dù đã phát triển mạnh mẽ nhưng đa số quy mô còn nhỏ, siêu nhỏ, còn thiếu vắng những doanh nghiệp đầu đàn, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động còn ở mức thấp trong tương quan với các doanh nghiệp quốc tế và khu vực. Các doanh nhân Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập, thiếu tính liên kết trong hoạt động.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gồm tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến.

Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với việc phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế. Tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế. Tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển.

Tiếp tục hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, mở rộng thị trường cho sản phẩm, hàng hoá Việt Nam, đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết và thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và khu vực. Tạo môi trường chính trị ổn định, môi trường hoà bình là điều kiện quyết định cho phát triển đất nước.

leftcenterrightdel
 Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công

Phó Thủ tướng cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.

Để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam khẳng định và phát huy tối đa vai trò của mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp doanh nhân tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm và tiếp thu những thành tựu của nhân loại để phát triển doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển trên nền tảng công nghệ số. Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau để hợp tác cùng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuân thủ pháp luật, quan tâm đến chia sẻ trách nhiệm xã hội.

Đặc biệt là cần chủ động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương/đa phương thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA và EVIPA)…

“Trên bờ biển Đà Nẵng đầy nắng, đầy gió, hướng về biển đảo quê hương, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hôm nay lắng nghe “Tổ quốc gọi tên mình”, quyết đem tất cả trái tim và khối óc góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường, như Bác Hồ hằng mong mỏi. Với quyết tâm, sự đồng lòng, chung tay của Chính phủ, người dân, với vai trò tiên phong của các doanh nghiệp – doanh nhân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào một khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045.”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã cùng trao đổi những giải pháp, sáng kiến để trả lời câu hỏi “Làm gì để tinh thần Việt Nam trở thành sức mạnh thần kỳ trong khởi nghiệp và phát triển bền vững?” và “Doanh nghiệp phải hoạt động thế nào, doanh nhân có kiến nghị gì đến Đảng và Nhà nước để thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh?”.

Lê Tâm