leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị sáng 29/8 (ảnh: VPQH cung cấp).

Cần có chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt, sử dụng nguồn điện gió, điện mặt trời

Tại Hội nghị, phát biểu góp ý vào dự thảo luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo và báo cáo thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật.

Góp ý về vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, trong dự thảo luật cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân lắp đặt, sử dụng nguồn điện gió, điện mặt trời, nhất là đối với các hộ gia đình sinh sống ở các đảo nhỏ, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bởi nguồn điện này rất hiệu quả, phù hợp và cần thiết đối với các đối tượng nêu trên, không để họ bị thiếu điện.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu góp ý (ảnh: VPQH cung cấp).

“Tôi đề nghị cần nghiên cứu kỹ và có cách làm khác biệt hơn, quyết tâm cao hơn để hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về vấn đề kinh phí cho các đối tượng này để có điện” - đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phân tích thêm, để hỗ trợ các đối tượng nêu trên có điện, cần thiết phải có hỗ trợ ban đầu từ Chính phủ đến các địa phương, trong đó có chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu Quốc gia hiện đang triển khai, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, yếu thế.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, những chính sách hỗ trợ này cần phải được luật hóa một cách cụ thể. Đại biểu cho biết, các quy định hiện hành đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa rõ ràng…

Đến khi nào thì hết độc quyền điện?

Phát biểu góp ý tại Hội nghị, đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu góp ý (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho biết, các quy định trong dự thảo Luật đặt ra rất nhiều vấn đề, tuy nhiên, điều đại biểu quan tâm nhất là việc sửa đổi luật lần này có chống được độc quyền điện như hiện nay hay không?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh dẫn chứng, chúng ta đã đổi mới được ngành bưu chính viễn thông rất xuất sắc. “Ngày xưa, gọi 1 cuộc điện thoại rất tốn kém. Giờ dùng rất thoải mái, rất chuẩn” – đại biểu dẫn chứng và khẳng định, xã hội hóa sẽ mang lại nhiều ưu điểm và kết quả tốt.

“Đến khi nào thì hết độc quyền, đến lúc nào người dân tham gia vào thị trường nhiều hơn, đến khi nào thì minh bạch” - đại biểu Đinh Ngọc Minh đặt câu hỏi.

Chỉ độc quyền về điều độ điện và các dự án đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cảm ơn các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của các vị ĐBQH tại phiên họp. Trên cơ sở kết quả thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, chỉ đạo của UBTVQH, góp ý của các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của các vị ĐBQH, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, cập nhật, bổ sung vào dự án luật Điện lực (sửa đổi).

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến đại biểu nêu (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đó, về phạm vi an toàn của điện gió, đã bổ sung quy định vào Điều 99 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đề xuất giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Về ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, hiện nay, theo thiết kế, cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự án luật về giá điện theo hướng thị trường, theo các cấp của thị trường…

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí tạo điều kiện bố trí điện cho vùng sâu, vùng xa, cơ quan soạn thảo đã bổ sung trong dự thảo luật bởi đúng như ý kiến của đại biểu, đối với các vùng này, việc sử dụng điện năng lượng tái tạo sẽ có nhiều ưu điểm hơn điện lưới, đỡ được chi phí đầu tư. Về chính sách, các hộ gia đình ở các khu vực này sẽ được bố trí vay nguồn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho việc lắp đặt, sử dụng các loại điện năng lượng tái tạo...

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Về vấn đề độc quyền điện như đại biểu Đinh Ngọc Minh nêu, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, hiện nay, đã quy định rất rõ độc quyền nhà nước trong lĩnh vực điện gồm những gì, trong đó, chủ yếu là độc quyền trong vấn đề điều độ điện và các dự án điện mang tính chất quan trọng, mang tính an toàn của toàn bộ hệ thống điện như thủy điện Hòa Bình… để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Còn nhiều vấn đề khác trong đầu tư, truyền tải, đã có quy định về xã hội hóa.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, vừa qua, đã thực hiện tách Trung tâm Điều độ điện quốc gia từ EVN về Bộ Công thương. Như vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, EVN và các đơn vị khác tham gia vào thị trường điện như một doanh nghiệp bình thường.

Bên cạnh đó, ông Trương Thanh Hoài cũng cho biết, hiện nay, nhu cầu về năng lượng rất cao. Cơ quan chủ trì soạn thảo cố gắng thiết kế luật, tạo thị trường điện phát triển theo hướng minh bạch. Cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các vị ĐBQH để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật một cách tốt nhất để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới...

Băn khoăn về chất lượng dự án luật

Phát biểu kết nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến của nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về chất lượng dự án luật, về thời gian chuẩn bị (ngày 29/8 Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách tiến hành thảo luận nhưng đến ngày 28/8 mới gửi tài liệu cho các đại biểu – PV).

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành và kết luận nội dung thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều đại biểu cho rằng, thay vì trình Quốc hội theo quy trình 1 kỳ họp như đề xuất của Chính phủ, nên trình theo quy trình 2 kỳ họp để đảm bảo chất lượng của dự án luật được chuẩn bị một cách tốt nhất...

Vũ Cảnh