Ngày nay, thị trường ngày càng mở rộng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng là “cơ hội” tốt cho những đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả làm ăn. Hay nói khác hơn, các đối tượng nêu trên đã “khai thác” có hiệu quả tâm lý của số đông người tiêu dùng “ưa” chuộng hàng ngoại nhưng phải giá rẻ, chất lượng... “tuyệt vời”!.

 


Vấn đề đặt ra là các ngành chức năng liệu có làm ngơ trước thực trạng này?. Cân phân mà nói công tác chống buôn gian, bán lận, hàng nhái, hàng giả được Ban chỉ đạo 389/ĐP của tỉnh chỉ đạo khá chặt chẽ đối với các ngành, địa phương liên quan. Trong đó quản lý thị trường có vai trò quan trọng trong việc phối hợp kiểm tra, kiểm soát... thị trường. Mặt khác, các ngành như công thương, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn... đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan, từ nhóm hàng có ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, môi trường, sản xuất, tiêu dùng như dược, mỹ phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm... đến các hành vi vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... trốn thuế... Tuy nhiên, có thể nói kết quả cũng khó đạt như mong muốn, bởi lẽ kiểm tra không xuể trong khi đối tượng làm ăn bất chính luôn có nhiều cách đối phó. Mặt khác, mức độ xử phạt cũng như thủ tục pháp lý liên quan còn nhiều ràng buộc cơ quan chức năng nên thiếu sức “răn đe”. Có ý kiến còn ví von: chuyện chống này chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”. Cho nên, để giảm thiểu tình trạng đã nêu không gì khác là cần có sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan chức năng liên quan đến các cấp chính quyền và ngay cả người tiêu dùng.

Hãy “nói không” với hàng giả, hàng kém chất lượng, thực hiện tốt “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, sẽ là “liệu pháp” hữu hiệu để “tẩy chay” các đối tượng làm ăn gian dối, “móc túi” người tiêu dùng bằng các “chiêu thức” siêu lừa.

 

Theo Báo Ninh Thuận

.