Với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), vấn nạn hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở nhiều địa phương không còn công khai thách thức pháp luật.


Ông Lê Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Vĩnh Phúc cho biết: Trong tháng 2.2014, lực lượng QLTT đã kiểm tra được 53 vụ, xử phạt hành chính 12 vụ... Hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu phổ biến ở các mặt hàng điện, băng đĩa nhạc, thực phẩm, đồ gia dụng...

Đặc biệt là sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng tiêu dùng như: Bột ngọt, nước mắm, bột giặt OMO, sữa tắm, dầu gội, nước rửa bát...

Theo ông Lê Hùng, hằng năm lực lượng QLTT chủ động phối hợp với chính quyền địa phương lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trọng tâm, những mặt hàng “nóng”... Đồng thời, chỉ đạo các đội QLTT huyện, thành thị tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

“Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng, đến nay tình trạng sản xuất, tiêu thụ hàng giả trên địa bàn không còn công khai như trước mà đi vào hoạt động lén lút, để qua mắt lực lượng chức năng...” – ông Hùng nhận định.

Tăng cường công tác phối hợp

Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) - cho biết: Vĩnh Phúc là một trong nhiều địa phương tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trong những năm qua các địa phương đã tăng cường chỉ đạo, triển khai nhiều chuyên đề, tập trung vào các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm (phân bón, mũ bảo hiểm, xăng dầu, hàng tiêu dùng, gas,...) và đã tạo được những chuyển biến tích cực...

Để hạn chế được tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng gây bức xúc cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội, Bộ Công Thương và Cục QLTT đã đưa ra nhiều giải pháp: Chỉ đạo các chi cục QLTT địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và người dân. Tập trung quản lý các mặt hàng trọng điểm như: Xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, hàng tiêu dùng, mũ bảo hiểm...

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, kiến thức pháp lý cho cán bộ, công chức QLTT, đặc biệt là các công chức tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi với chính quyền các địa phương trong trao đổi thông tin, trao đổi nghiệp vụ, kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền SHTT.

“Nếu chỉ có lực lượng QLTT thì rất khó kiểm soát được tình trạng sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương chắc chắn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sẽ phát huy được hiệu quả ” – ông Tín khẳng định.

 

Theo Lao động

.