(BVPL) - Từ năm 2003, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) thí điểm hạ ngầm lưới điện cùng hệ thống cáp viễn thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hơn 70 tuyến đường đã không còn tình trạng “mạng nhện” gây mất mỹ quan đô thị. Đây được xem là một thành công lớn từ chính sách xã hội hóa việc đầu tư ngầm hóa lưới điện.
 
Xóa “mạng nhện”,trên phố
 
Ngầm hóa hệ thống cáp điện và cáp viễn thông được triển khai từ năm 2003 là một chủ trương lớn của thành phố. Tuy nhiên từ khi có ý tưởng cho đến khi những tuyến đường đầu tiên được ngầm hóa là cả một quãng đường dài đầy khó khăn. Mãi đến năm 2007, thành phố mới quyết tâm thực hiện bằng được việc ngầm hóa đường dây điện trên địa bàn thành phố thông qua hàng loạt các quyết định, chỉ thị, trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách xã hội hóa. Hơn 10 năm kể từ khi có ý tưởng ban đầu, đường phố mới thực sự “gọn gàng”. Trên nhiều tuyến đường chính ở khu trung tâm, đường phố đã thoáng đãng, góp phần tạo nên hình ảnh một đô thị văn minh.
 
Thi công hệ thống Tuy-nel kỹ thuật trên đường Trần Hưng Đạo quận 5
Thi công hệ thống Tuy-nel kỹ thuật trên đường Trần Hưng Đạo quận 5
 
Ngay khi có chủ trương thí điểm ngầm hóa cáp điện trên một số tuyến đường, EVNHCMC đã thành lập Ban Chỉ đạo ngầm hóa lưới điện và dây thông tin trên địa bàn thành phố gồm 6 doanh nghiệp: EVNHCMC, Viettel, VNPT, FPT, SCVT và Công ty Tradincorp để điều hành triển khai thực hiện đồng bộ các dự án, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. UBND thành phố cũng thành lập Ban Chỉ đạo ngầm hóa điện và cáp viễn thông do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Sự tham gia của các sở, ngành vào Ban Chỉ đạo ngầm hóa đã góp phần giải quyết nhanh các vướng mắc trong việc cấp phép, phê duyệt các dự án về cáp, viễn thông; mang lại lợi ích của các dự án ngầm hóa cho người dân.
 
Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, giai đoạn 2011 - 2013 ngành điện lực đã hoàn tất 31 dự án ngầm hóa tại 6 khu vực (xung quanh Hội trường thành phố, chợ Bến Thành, các vòng xoay...) và 25 tuyến đường với khối lượng 58 km lưới trung thế, 108 km lưới hạ thế. Trong giai đoạn 2014 - 2015, ngành điện lực thành phố đã hoàn tất tổng cộng 73 dự án với khối lượng 300 km lưới trung thế và 502 km lưới hạ thế. Tổng cộng giai đoạn năm 2011 - 2015, tính lũy kế, ngành điện lực hoàn thành khối lượng khá lớn với 104 dự án ngầm hóa lưới điện và dây thông tin tại 62 tuyến đường (358 km lưới điện trung thế, 620 km lưới điện hạ thế), cơ bản hoàn thành khối lượng theo đề án ngầm hóa lưới điện được thành phố thông qua.
 
Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ ngầm hóa đã tăng đáng kể, lưới trung thế đạt 31%, lưới hạ thế đạt 13%. Đối với địa bàn quận 1 và 3, tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế đạt 90%; quận 5 đạt 80% và các quận 4, 10 và 11 đạt 70%... Dự án được đánh giá bước đầu thành công do có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan từ sự chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố tới doanh nghiệp.
 
Tăng cường xã hội hóa
 
Việc ngầm hóa lưới điện sẽ phải tốn nhiều chi phí của ngân sách Nhà nước, do vậy UBND thành phố kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong việc đầu tư ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin. Thay vào đó, nhà đầu tư được phép khai thác quỹ đất được tạo ra từ việc hạ ngầm đường điện để bù đắp phần vốn đã đầu tư vào việc hạ ngầm.
 
Với chủ trương này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin tại một số khu vực trung tâm như khu vực xung quanh Hội trường thành phố, chợ Bến Thành, đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định. Hiệu ứng rõ rệt, việc cung ứng điện an toàn hơn, không gian thông thoáng, góp phần cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị. Không chỉ vậy, sự thành công của ngành điện trong việc ngầm hóa hệ thống cáp điện đã góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện, an toàn trong vận hành khai thác sử dụng lưới điện trung và hạ thế cùng mạng lưới cáp viễn thông. Cùng với việc ngầm hóa các tuyến cáp trên đường phố, nhiều dự án khu dân cư mới tại Quận 7 cũng đang triển khai ngầm hóa lưới điện và viễn thông như: Công ty TNHH XD-SX-TM Tài Nguyên và Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng đang thực hiện dự án ngầm hóa các tuyến điện cao thế 110kV trong phạm vi phường Phú Mỹ, quận 7. UBND thành phố cũng đã phê duyệt ngầm hóa tuyến điện 110 kV Hiệp Phước - Tân Thuận.
 
Theo VNHCMC, giai đoạn năm 2016 - 2020, ngành điện lực thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành cơ bản việc ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông, với khoảng 650 km trung thế, 1.150 km hạ thế. Trong đó, hoàn tất ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông khu vực trung tâm thành phố (quận 1, quận 3); cơ bản ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông khu vực nội thành (các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, và Gò Vấp). Đối với khu vực các quận còn lại (quận 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, và Bình Tân), thực hiện ngầm hóa đồng bộ với các công trình giao thông khi mở rộng và các khu trung tâm hành chính, thương mại, các dự án và khu đô thị mới. Ước tính, tổng giá trị dự án ngầm hóa lưới điện đến năm 2020 có chi phí khoảng trên 14.000 tỷ đồng.
 
Ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm, để thực hiện ngầm hóa lưới điện và dây thông tin đúng tiến độ, ngành điện lực đã báo cáo trình UBND thành phố và các cơ quan quản lý nhà nước thông qua kế hoạch ngầm hóa lưới điện và dây thông tin giai đoạn 2016 - 2020, phân kỳ theo từng giai đoạn năm 2016 - 2017 và 2018 - 2020 với khối lượng cụ thể theo từng năm, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư các dự án giao thông, cấp thoát nước lập kế hoạch, tiến độ thi công các dự án đồng bộ với việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin… Tất cả vì mỹ quan đô thị và môi trường sống ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình cho người dân thành phố.
 
Nhật Trình
 
Đề án ngầm hóa lưới điện đến năm 2020 của Điện lực thành phố được UBND TP thông qua vào năm 2011, gồm 2 giai đoạn. Từ 2011 - 2015 tập trung ngầm hóa dây trung, hạ thế và dây thông tin trên các tuyến hẻm khu vực trung tâm quận 1, 3; từ 2015 - 2020 hoàn tất ở các quận huyện còn lại trên địa bàn. Theo đề án, trong thời gian này sẽ có gần 5.000 km "mạng nhện" dây điện sẽ được đưa xuống lòng đất. Điện lực thành phố đánh giá đây là khối lượng công việc rất lớn với 341 công trình. Tổng kinh phí cho đề án lên tới hơn 14.000 tỷ đồng (trung bình mỗi năm cần đến 1.000 tỷ đồng cho việc ngầm hóa cáp điện lực và cáp viễn thông).
 
.