Theo Đề án quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ tiêu cây xanh khu vực đô thị trung tâm Nam sông Hồng là 2,2m2/người, chuỗi đô thị Đông vành đai 4 là 3,4m2/người, khu vực vành đai xanh 5,2m2/người, chuỗi đô thị Bắc sông Hồng 2,7m2/người, đô thị vệ tinh 3,5m2/người, thị trấn sinh thái 3,6m2/người
 
“Cuộc chơi” nghìn tỷ 
 
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cho hệ thống cây xanh đô thị dự kiến khoảng trên 270 nghìn tỷ đồng với diện tích hơn 13,5 nghìn ha. Trong đó mức kinh phí đầu tư giai đoạn 1- đến năm 2030 trên 51 nghìn tỷ đồng. 
 
Theo nhận định của UBND TP Hà Nội, thời gian qua thành phố luôn quan tâm, dành nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đầu tư nhằm cải tạo và xây dựng mới nhiều công viên, cây xanh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân có nhiều, như thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu quỹ đất…
 
Vẫn theo UBND thành phố, quy hoạch này nhằm thực hiện Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch các phân khu đô thị trên địa bàn Thành phố.
 
Mục tiêu của quy hoạch là đầu tư phát triển hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước; cải tạo, nâng cấp hệ thống công viên, vườn hoa, hồ nước hiện có trong đô thị đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi của nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa. Ngoài nguồn vốn ngân sách, thành phố cũng sẽ có cơ chế chuyên biệt để huy động các nguồn lực đầu tư, trong đó xã hội hóa được coi là nguồn lực rất quan trọng.
 
Cần khuyến khích xã hội hóa
 
Trên thực tế, tại nhiều địa phương, việc xã hội hóa điểm vui chơi giải trí đã được thực hiện và đem lại hiệu quả xã hội khá khả quan. Đó là Nhà nước không phải đầu tư từ ngân sách, người dân được thụ hưởng còn doanh nghiệp có nguồn thu từ vận hành, quản lý các khu vui chơi này. Chẳng hạn ở Hải Phòng, với khu giải trí New Space bên hồ An Biên, tại đây có khu thể thao cho người lớn, khu vui chơi cho trẻ em với phòng chiếu phim 3D hiện đại. Nơi đây cũng trở thành nơi dừng chân nghỉ mát ngắm cảnh cho khách du lịch và người đi dạo quanh hồ.
 
Ở Đà Nẵng cũng có gia đình ông Võ Thành Trung (quận Hải Châu) đang là chủ sở hữu 5 điểm vui chơi đối với cả trẻ em và người lớn là Nhà văn hóa Lao động thành phố, phường Hòa Khánh Nam, Nhà trẻ Tiên Sa, chợ Cẩm Lệ, công viên Thanh Bình. Chính quyền TP Ðà Nẵng cũng có chính sách khuyến khích người dân đầu tư xây dựng khu vui chơi bằng việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, hỗ trợ về chi phí thuê mặt bằng...
 
Các khối nhà nằm trên ô đất CX1 khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng đã thi công xong phần thô
Các khối nhà tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng đã thi công xong phần thô
 
Trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã có khá nhiều mô hình xã hội hóa khu vui chơi, nghỉ ngơi, sinh hoạt cộng đồng thành công, đem lại ý nghĩa xã hội lớn lao. Chẳng hạn, dự án khu vui chơi ngoài trời tại công viên Nghĩa Đô và Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hoàn thành đã đáp ứng khá tốt nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân khu vực dự án và phụ cận.
 
Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, nhờ phương pháp xã hội hóa mà quận đã có thêm 2 khu vui chơi ngoài trời cho trẻ em tại Công viên Cầu Giấy với tổng vốn hơn 3 tỷ đồng và Công viên Nghĩa Đô hơn 5 tỷ đồng. Hàng ngày, khu vui chơi ngoài trời Công viên Nghĩa Đô đón trên 2.000 lượt trẻ em và ngày cuối tuần đón hơn 5.000 lượt trẻ em đến vui chơi.
 
Bên cạnh đó, tại Hà Nội cũng có một doanh nghiệp rất tâm huyết với việc đầu tư, phát triển các khu vui chơi giải trí công cộng- đó là Tập đoàn Lã Vọng. Ông Lê Văn Vọng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết, hiện nay Tập đoàn đã được thành phố Hà Nội cho phép triển khai thực hiện 2 dự án đầu tư tại khu vực Khu đô thị Đông nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đó là Dự án xây dựng bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh và Dự án công viên cây xanh kết hợp dịch vụ công cộng.
 
Được sự chấp thuận giao chủ đầu tư của UBND thành phố Hà Nội tại văn bản số 958/UBND-KH&ĐT ngày 5/2/2010, Công ty Cổ phần thương mại Dịch vụ Lã Vọng đã thực hiện việc triển khai việc nghiên cứu, lập và thực hiện dự án. Ngày 8/4/2011, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định số 1673/QĐ-UBND thu hồi 10.334m2 đất cho Công ty Lã Vọng thuê để thực hiện dự án với thời hạn 50 năm.
 
Tuân thủ các bước thực hiện dự án đầu tư, Chủ đầu tư đã thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư; toàn bộ các bước thực hiện, như: Chấp thuận địa điểm, thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng, thỏa thuận cấp điện, cấp nước, phòng cháy chữa cháy, phê duyệt quy hoạch 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ, hồ sơ thiết kế cơ sở, quyết định giao đất… đã được các sở ban ngành của thành phố xem xét.
 
Theo quyết định số 182/QĐ-UB ngày 8/11/2005; Quyết định số 6381/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Đông nam Trần Duy Hưng và văn bản số 448/QHKT-P1 ngày 22/2/2011 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thì các lô đất DX3 và DX4 được quy hoạch là bãi đỗ xe có mái và ngoài trời kết hợp cây xanh dịch vụ công cộng, mật độ xây dựng 18%; ô đất CX2 là khu cây xanh tập trung, có bố trí nhà hàng ngầm, mật độ xây dựng 5%.
 
Hiện tại, Chủ đầu tư đã thực hiện xong bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh tại 2 lô đất DX3, DX4 và đang triển khai đầu tư xây dựng tầng hầm tại ô đất CX2. Trong quá trình thực hiện dự án, Chủ đầu tư đã tuân thủ các chỉ tiêu về mật độ xây dựng và chiều cao công trình theo quy hoạch được phê duyệt là công trình chỉ có chiều cao đến đỉnh mái là 9m, chất liệu xây dựng chỉ là vật liệu tạm (khung thép, mái tôn). 
 
Đối với khu khuôn viên cây xanh tập trung CX2, hiện tại Chủ đầu tư đang thi công phần tầng hầm, đến thời điểm này vẫn đang tuân thủ so với hồ sơ kiến trúc được phê duyệt. Đối với Dự án công viên cây xanh kết hợp dịch vụ công cộng tại ô đất CX1, Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho phép thực hiện dự án theo phương thức xã hội hóa tại văn bản số 4277/UBND-GT ngày 18/5/2009. 
 
Đây là dự án không sử dụng nguồn vốn ngân sách nên theo các quy định của pháp luật không phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Vấn đề này đã được Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội hướng dẫn bằng văn bản số 2107/KH&ĐT-ĐT ngày 25/6/2009.
 
Ngày 16/10/2009, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 5346/QĐ-UBND thu hồi 17.597m2 đất tại ô đất CX1 giao cho Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới thuê để thực hiện dự án công viên cây xanh kết hợp dịch vụ công cộng.
 
Tại ô đất CX1, Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc thống nhất về nguyên tắc giải pháp bố cục mặt bằng gồm 4 khối nhà cao 2 tầng, chức năng là Nhà câu lạc bộ sinh hoạt măng non, Nhà câu lạc bộ sức khỏe cộng đồng, Nhà điều hành triển lãm trưng bày, Nhà văn hóa ẩm thực 3 miền, diện tích còn lại tổ chức cây xanh, đường dạo, sân chơi… Diện tích xây dựng mỗi khối công trình là 440m2, chiều cao công trình đến đỉnh mái 14,4m. 
 
Các hạng mục xây dựng của cả 2 Dự án đều nằm trong diện miễn giấy phép xây dựng theo Điều 4, Khoản 6 Quy định cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng công trình theo Giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 20/1/2010 của UBND thành phố Hà Nội.
 
Một góc cây xanh, thảm cỏ tại ô đất CX1
Một góc cây xanh, thảm cỏ tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng
 
 
Ngày 1/4/2014, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Cầu Giấy đã có buổi làm việc với đại diện Chủ đầu tư. Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Hà- Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã kết luận: trước khi thi công công trình, Chủ đầu tư đã thông báo khởi công và gửi hồ sơ dự án đến UBND phường Trung Hòa. Trong quá trình thi công, UBND phường đã kiểm tra công trình, cho thấy mật độ xây dựng và chiều cao công trình theo đúng phương án kiến trúc được duyệt. Riêng phần đai giằng có sai khác và được Chủ đầu tư giải trình phần thi công này để đảm bảo an toàn cho công trình. Ý kiến của đại diện Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy cũng cho rằng phần khác biệt so với kiến trúc được duyệt ở bên trong nên không ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan.
 
Ông Lê Văn Vọng cho biết, các dự án của Tập đoàn Lã Vọng đã được các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội thẩm định kỹ lưỡng, được UBND thành phố cho phép triển khai. Trong quá trình triển khai dự án, Tập đoàn đã tuân thủ các quy định của pháp luật, của thành phố nên không thể có chuyện “xào nấu đất cây xanh”. Ông Vọng cũng bày tỏ, trong quá trình đầu tư, với rất nhiều thủ tục trong hệ thống pháp luật về xây dựng nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực để dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác nhằm phục vụ cộng đồng và đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống của hơn 600 nhân viên, người lao động trong đơn vị.
 
Theo HNMO