Bình Thuận là địa phương được xác định có tiềm năng năng lượng mặt trời vào loại lý tưởng. Đây cũng là địa bàn địa bàn đang có những hoạt động đầu tư nhộn nhịp nhất về năng lượng tái tạo.

Tại đề án “Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, địa phương đã trình Bộ Công Thương thẩm định 113 khu vực/dự án tiềm năng quy hoạch điện mặt trời với diện tích tiềm năng quy hoạch: 14.198 ha. Tổng công suất tiềm năng quy hoạch: 11.648 MWp. 

Đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư là 5.341,06 Mwp; tổng diện tích 6.720,48 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến 137.208,85 tỷ đồng.

Trong số này, có 28 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh với tổng công suất 1.475,18 MWp. Có 23 dự án/ tổng công suất 1.115,18 MWp đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư với đã đăng ký khởi công trong năm 2018 và hoàn thành phát điện thương mại trước ngày 30/6/2019.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện chỉ có một số dự án đang triển khai san gạt mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng. Các nhà đầu tư còn lại mới dừng lại ở giai đoạn triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Khả năng hầu hết dự án điện mặt trời khó hoàn thành đóng điện thương mại trước mốc 30/6/2019.

leftcenterrightdel
 Tỉnh Bình Thuận hiện có 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư 5.341,06 Mwp.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân chính do nhiều dự án điện mặt trời tại địa phương nằm trong khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan, hiện chưa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận triển khai. Bởi vậy, dù có những lợi thế về điều kiện, nhưng các dự án điện mặt trời trên đất titan không thể triển khai thi công, tác động vào đất đai cũng như thực hiện các thủ tục đầu tư khác.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng chưa thể xem xét, tổ chức thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch điện lực cho các dự án điện mặt trời nằm trong khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan.

Tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong thời gian đến, sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh thời gian khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan lên 50 năm, được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch điện lực, các nhà đầu tư bắt đầu triển khai thực hiện thì thời gian hoàn thành phát điện thương mại không thể kịp tiến độ đóng điện trước ngày 30/6/2019 để có thể hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
Hệ thống điện mặt trời Vĩnh Hảo, Tuy Phong. 
leftcenterrightdel
Từ chỗ vướng cơ chế khai thác đất dự trữ titan quốc gia, nhiều dự án điện mặt trời chưa thể triển khai thủ tục đầu tư. 

Để gỡ vướng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai đầu tư dự án, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách giá điện theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Đối với các dự án điện mặt trời đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương tổ chức họp thẩm định, tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thực hiện phê duyệt bổ sung các dự án này vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, kể cả các dự án đang nằm trong vùng khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan. 

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 có nhiều chính sách ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, miễn giảm tiền thuê đất cùng nhiều chính sách khuyến khích khác về cơ chế đầu ra, bao tiêu dài hạn điện thương phẩm, giá cả mua điện,.. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ áp dụng với các dự án nối lưới trước ngày 30/9/2019.

Nguyễn Huân