Ngày 13-2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 252/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó xác định mục tiêu đây sẽ là vùng kinh tế động lực đầu tàu, là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực.
Theo định hướng phát triển, vùng này sẽ phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2020 xấp xỉ 8,5% (trong đó giai đoạn 2016-2020 từ 8,5-9%), tới thời điểm 2020, GDP/người sẽ đạt 5.000 USD, giá trị xuất khẩu/đầu người 5.400 USD; cơ cấu tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế trên 95%, 5% còn lại sẽ là nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%...
Tầm nhìn tổng quát đến năm 2030 đây vẫn sẽ là vùng kinh tế đầu tàu của cả nước và là trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á, là chùm đô thị lớn với chức năng đô thị tổng hợp cấp Quốc gia, GDP/người 12 ngàn USD, đặc biệt phấn đấu mục tiêu 100% người dân đều có nhà ở với tiện nghi sinh hoạt cần thiết, phù hợp trình độ phát triển KT-XH của từng tỉnh, thành phố trong vùng với diện tích nhà ở bình quân từ 20-25 m2/người.
Một số mục tiêu, công trình, dự án trọng điểm đã được Chính phủ xác định tạo điều kiện cho vùng phát triển như: Nghiên cứu phát triển tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ và đô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành, thành phố mới Phú Mỹ, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương; phát triển thành phố Vũng Tàu là trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ khai thác dầu khí cấp Quốc gia và quốc tế; xây dựng đồng bộ các khu kinh tế cửa khẩu ở Tây Ninh, Bình Phước, Long An, bao gồm cả kho ngoại quan, cụm kho lưu hàng tạm nhập tái xuất, bãi kiểm hóa; tập trung phát triển du lịch MICE gắn với văn hóa, lễ hội, giải trí...
Chính phủ đề ra mục tiêu cho ngành Giao thông - Vận tải đến năm 2020 phải hoàn thành 580 km đường cao tốc, xây dựng đường sắt kết nối các cảng biển, khu kinh tế lớn, mở mới các tuyến đường sắt kết nối nội vùng và ĐBSCL, hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; về thủy lợi sẽ xây dựng các công trình chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai sang vùng ĐBSCL vào mùa khô (qua sông Vàm Cỏ).
Giải pháp để “cất cánh”
Trước hết là về giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, Chính phủ chỉ đạo toàn vùng ngoài huy động nội lực sẽ tranh thủ các nguồn ODA, NGO và lồng ghép các nguồn vốn chương trình Quốc gia, các dự án hỗ trợ quốc tế; cải thiện môi trường thu hút đầu tư, trong đó Chính phủ lưu ý các địa phương phải chuẩn bị tốt dự án và quỹ đất “sạch” để mời gọi thay vì chờ nhà đầu tư nghiên cứu, kiến nghị rồi mới “xem xét”; ban hành chính sách ưu đãi theo các nhóm ngành ưu tiên phát triển trên mỗi địa bàn dựa vào lợi thế, tiềm năng của từng địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức như BOT, BTO, PPP... đặc biệt trong lĩnh vực giao thông; tập trung thu hút FDI gắn với quá trình hội nhập.
Đặc biệt về cơ chế liên kết vốn từ lâu đã là vướng mắc chưa có hướng tháo gỡ thì nay Chính phủ đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ Thường trực Ban Chỉ đạo, yêu cầu xây dựng chương trình hành động cụ thể và phân công trách nhiệm rõ ràng, đi kèm với đánh giá mức độ phối hợp giữa bộ, ngành với từng địa phương trong thực hiện quy hoạch; định kỳ hàng năm tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, tạo giao lưu, đối thoại trực tiếp giữa các nhà đầu tư với chính quyền các tỉnh, thành...
Chính phủ cũng đã gợi ý một số cơ chế, chính sách, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, về khoa học - công nghệ, về hợp tác quốc tế và liên kết vùng để các địa phương trong vùng nghiên cứu, vận dụng và tổ chức triển khai hiệu quả, sớm đưa toàn vùng “cất cánh” theo mục tiêu đề ra...
Tiền Giang phải chuẩn bị những gì?
Theo quy hoạch, Thủ tướng giao các địa phương trong vùng (trong đó có Tiền Giang) phải chủ động phối hợp bộ, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước cùng tham gia thực hiện quy hoạch; đồng thời rà soát lại quy hoạch chi tiết, các chương trình, dự án đầu tư để có kế hoạch lồng ghép quy hoạch vào các kế hoạch 5 năm và hàng năm. Chính phủ cũng giao các địa phương tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy hoạch được duyệt, Tiền Giang có trách nhiệm phối hợp bộ, ngành triển khai hoặc nghiên cứu triển khai đối với 7 dự án: Dự án kinh Chợ Gạo, dự án 5 kinh Bắc Quốc lộ 1, dự án nâng cấp đê biển và Ngọt hóa Gò Công, các kho trữ nông sản, bệnh viện đa khoa cấp tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa (lao, tâm thần, sản nhi), dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn.
Do vậy, tỉnh cần chủ động tranh thủ Trung ương quan tâm các dự án này, tranh thủ phối hợp chuẩn bị ngay việc lập các dự án (nếu chưa có hồ sơ chuẩn bị đầu tư) để xác định rõ vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư, có cơ sở tranh thủ bộ đưa vào cân đối vốn đầu tư của từng giai đoạn.
Bên cạnh các dự án trên, tỉnh cũng cần chuẩn bị “đất sạch” gắn với quy hoạch theo hướng chỉ dành cho “công nghiệp sạch”. Bởi theo định hướng quy hoạch vùng thì trong quá trình hình thành vành đai công nghiệp - đô thị của vùng sẽ hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, mà sẽ chuyển dần các cơ sở công nghiệp sang khu vực còn dư địa phát triển như Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, nếu ta không có bước chuẩn bị thì khi đó có khi sẽ gặp phải các dự án đầu tư với quy trình công nghệ lạc hậu hoặc chỉ là những dự án thâm dụng lao động thì “dẫu có cũng như không”.
Ngoài ra, cần tiếp tục tập trung đầu tư phát triển TP. Mỹ Tho lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh theo Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phù hợp quy hoạch vùng, xác định TP. Mỹ Tho (cùng với Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một) sẽ đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng; đồng thời cùng các TP. Tây Ninh, Tân An và TX. Đồng Xoài trở thành các trung tâm dịch vụ và là đầu mối kết nối với các tỉnh vùng Tây Nguyên và vùng ĐBSCL; chú trọng đầu tư phát triển TX. Gò Công để tham gia vào chùm 15 đô thị vệ tinh của vùng; phát triển kinh tế biển, xây dựng vùng ven biển thành “vùng kinh tế mở”, hướng mạnh ra bên ngoài.
Quy hoạch cũng khẳng định tiểu vùng Tây Nam gồm Tiền Giang và Long An phải phát huy vai trò cửa ngõ, cầu nối giữa vùng ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp tục đầu tư để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và tham gia xuất khẩu...
Theo Ấp Bắc