Tại các huyện Long Thành, Trảng Bom hiện có tình trạng dân nhận đất tái định cư (TĐC) nhưng rồi bỏ không ở. Những khu TĐC này đang trở thành bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.
|
Khu tái định cư Phước Bình, xã Phước Bình (huyện Long Thành) bị bỏ hoang. |
Các khu TĐC nói trên đều có hạ tầng, bao gồm: điện, nước, đường đầy đủ, song nhiều người dân được bố trí lại “chê” không vào ở. Nhiều hộ nhận TĐC xong, chấp nhận bán rẻ để tìm nơi khác sinh sống phù hợp hơn. Có nhiều lý do khiến các hộ không di dời đến khu TĐC mới, song tựu trung vẫn là nơi mới quá xa nơi ở cũ, không thuận lợi cho công việc…
Khu tái định cư “ma”
Khu TĐC Phước Bình ở xã Phước Bình (huyện Long Thành) rộng 15 hécta, đường rải nhựa, điện, nước đã kéo về đầy đủ nhưng không thấy một ngôi nhà nào, cỏ mọc lút đầu người. Đang vào mùa thu hoạch mì nên một số người dân có rẫy gần đó tận dụng các con đường nhựa để phơi mì. Chị Võ Thị Tuyết ngụ ấp 6, xã Phước Bình, kể: “Hơn 8 năm trước, tôi thấy nhiều người rao bán đất có 30-40 triệu đồng/nền, rộng 200 m2 nên tôi mua một nền. Tưởng sau đó mọi người sẽ về sinh sống đông, tôi cũng sẽ về đây làm nhà, mở quán tạp hóa, nhưng đợi mãi không thấy hộ nào về ở, vắng quá tôi cũng không dám làm nhà”.
Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành Võ Đình Việt giải thích: “Khu TĐC Phước Bình đa phần đã bố trí cho các hộ bị giải tỏa trắng thuộc 3 xã: Cẩm Đường, Bàu Cạn, Thừa Đức trong dự án hồ Cầu Mới. Dân nhận đất xong chê xa nơi ở cũ, về đó đất sản xuất không có, đi làm công nhân cũng xa nên nhiều hộ đã bán lại, hoặc nhận đất nhưng không ở vì thiếu thuận tiện”.
Một số hộ được cấp đất tại khu TĐC Phước Bình cho biết, nếu chuyển về đây họ chỉ có mỗi chỗ ở nên không biết làm gì để sống. Mua lại đất sản xuất thì họ không đủ khả năng, còn xin đi làm công nhân thì khu này cách các công ty, xí nghiệp đến gần 10km. Ông Cao Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Phước Bình, nói: “Khu TĐC Phước Bình hoàn thành từ 2005, hạ tầng đầy đủ nhưng vì xa khu công nghiệp, xa chợ, trường học chưa có nên không hộ nào chịu đến ở. Vừa qua, xã đã xin cắt điện trong khu TĐC để đỡ lãng phí”.
Tại huyện Trảng Bom, khu TĐC dân không vào cũng lý do như trên. Thực tế, nhiều hộ ở nông thôn rất muốn Nhà nước bố trí gần nơi ở cũ. Trong trường hợp khó bố trí khu TĐC phù hợp, người dân kiến nghị nên có thêm quy định nếu không nhận đất TĐC sẽ được bồi thường số tiền tương đương. Như vậy, người dân bị thu hồi đất dễ tìm được nơi ở phù hợp.
Để dân lựa chọn
Ông Nguyễn Văn Huệ, ấp 1, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), bày tỏ: “Nông dân chẳng ai muốn bị thu hồi đất. Nếu bị thu hồi, chỉ mong được bố trí TĐC gần nơi ở cũ, hoặc để người dân tự lo chỗ ở với điều kiện được bồi thường bằng giá trị mảnh đất TĐC. Được thế, người dân chúng tôi dễ tìm nơi an cư mới thích hợp”.
Thực tế, những khu TĐC bỏ hoang tại Long Thành, Trảng Bom là minh chứng cụ thể. Ở nông thôn, người dân có tập quán sống theo khu vực, gần bà con, họ hàng. Khi thu hồi đất, chuyển họ đến nơi mới cách xa nơi cũ đến gần 30km như khu TĐC Phước Bình, rất ít hộ chịu di dời.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân khẳng định: “Dân bị thu hồi hết đất mà tự lo chỗ ở thì ngân sách sẽ bớt gánh nặng, vì họ sẽ dễ tìm công việc phù hợp để ổn định cuộc sống. Nếu vậy tại sao lại chỉ hỗ trợ cho họ bằng 50% mà không phải 100% giá trị suất đầu tư hạ tầng của lô TĐC họ được hưởng?”.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng nhận định: “Nên khuyến khích người dân tự lo TĐC sẽ tốt hơn. Tỉnh sẽ cân nhắc, hỗ trợ những hộ không nhận đất bằng giá trị đầu tư lô đất”.
Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết:
“Rất nhiều người dân bị thu hồi hết đất mong muốn Nhà nước sẽ bồi thường cho họ số tiền tương đương với suất TĐC để họ tự tìm nơi ở thuận lợi. Nếu Nhà nước chỉ hỗ trợ 50% giá trị lô đất TĐC họ sẽ nhận đất, song nhận rồi lại phải bán”. Và ông Đức cũng cho biết thêm, nếu theo quy định mới, mức hỗ trợ những hộ tự lo chỗ ở bằng suất TĐC sẽ thuận lợi cho người dân và tỉnh bớt lo gánh nặng. |
Theo Báo Đồng Nai