|
|
Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (46 MW) gần thượng nguồn sông Sê Rê Pôk |
Với hàng loạt công trình thủy điện lớn, nhỏ được xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã cung cấp sản lượng điện lớn, các hồ chứa cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản, góp phần điều tiết nước, cắt lũ cho vùng hạ du trong mùa mưa, cải thiện điều kiện tiểu khí hậu cho cả vùng. Tuy nhiên, việc xây dựng nhiều công trình thủy điện với những hồ chứa có diện tích mặt nước rộng, đã làm ngập và hủy hoại hàng ngàn ha rừng tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sự đa dang sinh học của toàn vùng. Sự hình thành các hồ thủy điện đã làm thay đổi đáng kể chế độ thủy văn, thủy lực hệ thống sông suối, gây ra những tác động về môi trường và biến đổi tiểu khí hậu, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và sinh hoạt của cư dân sinh sống ven sông, suối.
Tại thượng nguồn sông Sê Rê Pôk xây dựng hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah với diện tích mặt nước 13,7km2. Hồ có tác dụng trữ nước và giữ nước cho các công trình thủy điện trên những bậc thang phía hạ lưu sông Sê Rê Pôk. Nhưng công trình thủy điện này cũng gây những tác động tiêu cực cho vùng hạ du như: chế độ thủy văn phía hạ lưu hồ không còn mang tính tự nhiên nữa, đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, gây khó khăn cho sản xuất của người dân sinh sống ven sông. Trong đó, có các xã bị ảnh hưởng lớn là: Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Buôn Choah, Nâm N’Dir của huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông); các xã phía bên kia bờ sông là Bình Hòa, thị trấn Buôn Trấp, thuộc huyện Krông Ana; các xã Ea Rbin, huyện Lăk của tỉnh Đắk Lăk.
Trước đây, trên dòng Sê Rê Pôk có nhiều thác nước đẹp nổi tiếng như Trinh Nữ, Đray Sáp, Đray Nu, thác Bảy Nhánh quanh năm đầy nước, thác chảy ầm vang. Hai bên bờ sông là những cánh rừng rậm nguyên sinh với tính đa dạng sinh học cao; nơi đây là địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch thập phương. Sau khi xây dựng nhiều con đập thủy điện trên các bậc thang của dòng chảy, đã làm cho lòng sông phía hạ du khô cạn, các thác nước cũng biến mất. Xây dựng các con đập, ngăn chặn dòng sông, ảnh hưởng môi trường sinh sống của các loài thủy sinh. Trước đây, nguồn cá khá dồi dào, trong đó có các loại cá đặc sản nổi tiếng như: cá Lăng đuôi đỏ, cá Anh vũ, cá Bống tượng, cá Sọc dưa nhưng nay cũng đang cạn kiệt dần, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân làm nghề chài lưới ven sông.
Tại nơi thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Đắk Glong, việc xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và thủy điện Đồng Nai 4 đã gây ngập trên một vùng rộng lớn, trong đó có một phần diện tích rừng nguyên sinh Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng và khu dân cư xã Đăk Plao. Nay, các khúc sông phần hạ du các con đập thủy điện bị cạn kiệt nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sinh, trong đó có một số loài cá bản địa đã giảm sút đáng kể. Do biến đổi môi trường, tại một vùng thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai, trong các năm 2012 và 2013, công trình thủy điện Quảng Tín trên suối Đắk R’lâp đã gây nên tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng trong mùa khô và hiện tượng ngập lụt hoa màu trong mùa mưa tại các thôn Sadaco, thôn 5, xã Quảng Tín và thôn 6, xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) phía hạ du.
Hiện nay, an toàn hồ chứa và tác động môi trường của các công trình thủy điện đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Gần đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho dừng và loại bỏ 8 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch rừng, địa phương đang có phương án trồng rừng thay thế để bảo đảm độ che phủ rừng, nhằm phục hồi sinh thái và bảo vệ môi trường. Công tác nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện đến sự phát triển bền vững về tài nguyên nước là cấp thiết và có ý nghĩa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do vậy, rất cần thiết phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ thủy điện hiệu quả và an toàn cho vùng hạ du. Các nhà máy thủy điện phải tính toán cân bằng nước để điều tiết việc chạy máy phát điện trong mùa khô phù hợp với điều kiện canh tác của nhân dân trong vùng lưu vực sông suối, đồng thời điều tiết, xã lũ an toàn đập trong mùa mưa. Mặt khác, địa phương phải thường xuyên có biện pháp gia cố, bảo vệ bờ sông, hạn chế sự sạt lở bờ sông khi thủy điện vận hành và xả nước dòng chảy.
T.Quỳnh - X.N