Với đặc tính chịu hạn tốt, dễ trồng, đặc biệt lợi nhuận khá hấp dẫn nên những năm gần đây, mè là một trong những đối tượng cây màu được nông dân ở Đồng Tháp ưu tiên lựa chọn luân canh trên nền đất lúa.


Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, việc chuyên canh lúa trên một nền đất nhiều năm sẽ làm cho đất bị thoái hóa, cạn kiệt nguồn dinh dưỡng, mầm bệnh, sâu hại tồn tại lâu trong đất làm giảm năng suất lúa, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Do đó, để canh tác lúa hiệu quả, nhà nông cần trồng xen canh 2 vụ lúa - một vụ màu. Và cây mè được nông dân trồng xen canh với lúa.

Nhiều nông dân cho biết, luân canh cây mè trên nền đất lúa mang lại lợi nhuận cao gấp 3 lần trồng lúa, bình quân 1ha mè lãi từ 45 - 48 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Le ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Mấy năm trước trồng khoai lang tím Nhật gia đình có khi lỗ từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Năm nay được một số anh em tư vấn, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng mè. So với khoai lang, lúa thì mè nhẹ chi phí đầu tư nhưng năng suất rất cao, trung bình mỗi công (1.300m2) năng suất đạt từ 190 – 200kg, với giá bán 40 ngàn/kg như vụ vừa rồi thì 3 công mè, gia đình tôi có lãi trên 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Đánh giá về những tiềm năng và ưu thế khi phát triển cây mè trên nền đất lúa, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ phân tích, sản xuất luân canh giữa lúa và mè, nhất là trong vụ hè thu, không chỉ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận ngay trong vụ sản xuất mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Theo bà con nông dân trồng mè ở TP.Cần Thơ, ruộng lúa sau khi trồng mè sạ lúa lại sẽ rất trúng và ít sâu bệnh hơn so với sản xuất lúa liên tục 3 vụ trong năm do các mầm sâu bệnh bị tiêu diệt. Ngoài ra, cây mè cũng là loại cây trồng giúp tiết kiệm nước, thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong vụ sản xuất hè thu hằng năm. Hạt mè sau khi thu hoạch và phơi khô, bảo quản được trong một thời gian rất dài. Nhờ vậy có thể trữ hàng lại để chờ giá, hạn chế được áp lực bán ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Hơn nữa, đầu ra của cây mè cũng đang rộng mở do sản xuất dầu ăn và các loại bánh kẹo...

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật thì tình hình sản xuất mè trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long đang vướng một số khó khăn. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ cho rằng: Hiện nay, nhiều nông dân trồng mè chưa an tâm do giá cả thường xuyên biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân khi bước vào thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, nông dân cũng chưa được hỗ trợ về giống, vẫn còn sử dụng nguồn giống trôi nổi ngoài thị trường, chất lượng chưa ổn định. Do đó, thời gian qua nông dân vẫn chưa khai thác hiệu quả kinh tế tối đa mà cây trồng này mang lại.

Thông tin về kế hoạch phát triển cây mè tại Đồng Tháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, mè là một trong những cây trồng cạn được tỉnh Đồng Tháp ưu tiên đưa vào canh tác, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Cây mè cho thu nhập kinh tế ổn định hơn cây bắp lai và cây đậu nành. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài nghiên cứu “Tuyển chọn và phát triển giống mè có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh Đồng Tháp”. Hiện đề tài đã được nghiệm thu. Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ đưa các giống mè triển vọng này thực hiện mô hình thí điểm và nhân rộng cho bà con nông dân.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.