Theo UBND TP HCM, dự án này gặp 3 khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, dự án chưa được xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện khi có nhiều nội dung thay đổi, dẫn đến việc dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Khó khăn lớn nhất là nhà đầu tư không có nguồn vốn để tiếp tục thi công. Ngân hàng BIDV - đơn vị tài trợ vốn không thể ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để trình Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân vốn tái cấp.
Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước đã thu hồi khoảng 3.560 tỉ đồng vốn tái cấp cho BIDV. Dù có được gia hạn giải ngân, BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân vì dự án chưa được thanh toán.
|
|
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng nhiều lần trễ hẹn khiến người dân TP HCM lâm cảnh ngập nước khi mùa mưa đến. |
Để tháo gỡ khó khăn, UBND TP HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ xem xét trình Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép TP HCM ủy thác từ ngân sách thành phố cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) để cấp vốn vay cho nhà đầu tư hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng phương án này chưa phù hợp vì Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 không quy định việc sử dụng ngân sách địa phương để ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Do đó, TP HCM hiện chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác. Giải pháp mà TP HCM đề xuất là rà soát, điều chỉnh các điều khoản thanh toán trong hợp đồng. Theo đó, sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng các quỹ đất đã được xác định, tạo nguồn vốn để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.
Ngoài ra, dự án còn gặp khó khăn do chưa có cơ sở thanh toán theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). TP HCM đã đàm phán và ký kết hợp đồng, cùng với phụ lục hợp đồng, theo đó thanh toán cho nhà đầu tư 16% giá trị quyết toán (khoảng 1.588 tỉ đồng) bằng quỹ đất và 84% còn lại (khoảng 8.380 tỉ đồng) bằng tiền mặt.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý và điều chỉnh các khoản thanh toán phù hợp với thực tế, cần tiến hành điều chỉnh tổng thể dự án. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian và phức tạp, vì cần phải thương thảo thống nhất với BIDV và nhà đầu tư về lãi vay.
Do đó, TP HCM đề xuất thực hiện đồng thời việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh các điều khoản thanh toán trong hợp đồng. Sau khi điều chỉnh, TP HCM sẽ có cơ sở pháp lý để thanh toán bằng quỹ đất, giúp giải quyết nguồn vốn cho nhà đầu tư và giảm chi phí phát sinh do lãi vay trong thời gian chờ đợi.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng khởi công từ giữa năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên diện tích 570 km2, phục vụ khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực trung tâm và ven sông Sài Gòn.
Dự án này dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018, tổng vốn đầu tư của dự án là khoảng 10.000 tỉ đồng. Đến nay dự án đã hoàn thành 90% khối lượng công việc. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại nhiều lần./.
|