Trước hàng loạt vướng mắc trong việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương tạo cơ chế đặc thù để TP.HCM tổ chức thực hiện công tác này hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành phố vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.

 

 

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Hiện nay trên địa bàn TP.HCM vẫn còn 474 chung cư cũ, hư hỏng được xây dựng từ trước năm 1975. Trong 474 chung cư cũ này hiện có khoảng 27.000 hộ dân đang sinh sống. Hầu hết các chung cư này đều đã xuống cấp và hư hỏng nặng, phân bổ tại nhiều quận, tập trung nhiều nhất tại Q.5 với 203 chung cư”.

 

Ông Tuấn cho biết, từ năm 2006 đến nay, thành phố đã tháo dỡ 32 chung cư cũ, hư hỏng và di dời 4.000 hộ dân sinh sống trong các chung cư này. Tuy nhiên, con số 32 chung cư được tháo dỡ so với tổng chung cư cũ trên địa bàn là quá nhỏ, đây là kết quả không như mong muốn, chưa cải thiện đời sống của người dân và chỉnh trang đô thị.

 

Trước hàng loạt vướng mắc trong việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương tạo cơ chế đặc thù để TP.HCM tổ chức thực hiện công tác này hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành phố vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Do chưa thống nhất được việc phân cấp chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng và chính quyền cấp quận, huyện nên TP.HCM vẫn chưa thể triển khai quy hoạch, kiểm định, dự trù kinh phí cho việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ.

 

Đi tìm lời giải

 

Một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân khiến việc chậm di dời, cải tạo chung cư cũ là do bế tắc trong việc thỏa thuận bồi thường giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền. Một phần do thái độ thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương khiến công tác giải phóng mặt bằng của các chủ đầu tư gặp khó khăn.

 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: “Nhiều chung cư cũ có vị trí đắc địa như chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), chung cư Cô Giang (Q.1), chung cư Thanh Đa (Bình Thạnh) hiện được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Do đó, chính quyền cần có cơ chế thoáng hơn trong quy hoạch, hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình cũng như chỉ tiêu dân số sao cho phù hợp, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tham gia cải tạo chung cư cũ”.

 

Cũng theo người đứng đầu Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ nay đến năm 2020, TP.HCM phấn đấu hoàn thành việc xây dựng mới 50% dự án chung cư cũ, hư hỏng trên địa bàn. Muốn thực hiện thành công mục tiêu này, cần phải thực hiện nhiều giải pháp để hài hòa lợi ích giữa người dân, chủ đầu tư và chính quyền.

 

Tại buổi làm việc mới đây của UBND TP.HCM với các sở, ngành và chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng mới 474 chung cư cũ trên địa bàn. UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát lại toàn bộ chung cư cũ, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm định để công bố công khai cho người dân và doanh nghiệp.

 

Việc cải tạo chung cư cũ hư hỏng nặng, chính quyền địa phương cần đứng ra để lựa chọn nhà đầu tư, bố trí tạm cư cho người dân. Chính quyền địa phương có thể chỉ định nhà đầu tư để đảm bảo các dự án không bị quy hoạch “treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong các khu chung cư đó. Khi xây dựng lại chung cư cũ, phải tính toán cụ thể, đảm bảo tái định cư cho người dân và phần nhà thương mại để sinh lời cho chủ đầu tư. Chủ trương của thành phố là ưu tiên tái định cư tại chỗ cho người dân, nhưng phải đảm bảo nơi ở mới không nhỏ hơn 25 m2 và diện tích tối thiểu phải từ 3,9 m2/người.

 

Theo NTD

.